Huyết áp cao khi mang thai ảnh hưởng đến khoảng 5-10% phụ nữ mang thai. Bệnh nếu không được phát hiện, kiểm soát hoặc điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ.
Tổng quan về tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp (THA) là một biến chứng nội khoa phổ biến ở phụ nữ mang thai, ảnh hưởng đến khoảng 10% tổng số thai kỳ. Đây là một trong ba nguyên nhân chính dẫn đến tử vong mẹ trên toàn thế giới, đặt ra thách thức lớn cho ngành y tế trong việc phát hiện, quản lý và điều trị.
Những yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc THA thai kỳ, bao gồm:
Mang thai lần đầu (con so).
Mang đa thai.
Tiền sử tiền sản giật, tăng huyết áp mãn tính, đái tháo đường hoặc bệnh lý thận.
Chỉ số BMI trước mang thai > 30.
Tuổi mẹ từ 35 trở lên.
Sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.
Phân loại tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ được chia thành bốn loai:
Tiền sản giật - sản giật: Là dạng nghiêm trọng nhất, kèm theo tăng huyết áp, protein niệu và suy chức năng nhiều cơ quan. Tiền sản giật có thể tiến triển thành sản giật nếu không được điều trị kịp thời.
Tăng huyết áp mạn tính: Tồn tại trước tuần 20 của thai kỳ và kéo dài sau 12 tuần hậu sản.
Tiền sản giật trên nền tăng huyết áp mãn tính: Biểu hiện gồm tăng men gan, giảm tiểu cầu hoặc phù phổi, thường đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp.
Tăng huyết áp thai kỳ: Xuất hiện sau tuần 20 và thường tự khỏi sau sinh mà không để lại biến chứng lâu dài.
Tầm soát và phòng ngừa
Tầm soát sớm: Từ 11-13 tuần 6 ngày, sản phụ nên được đo huyết áp động mạch trung bình, thực hiện các xét nghiệm sinh hóa như PAPP-A, PlGF và siêu âm Doppler động mạch tử cung để đánh giá nguy cơ tiền sản giật.
Phòng ngừa bằng Aspirin: Aspirin liều thấp (81-162 mg/ngày) có thể được chỉ định từ tuần thứ 12 đến tuần 36 để giảm nguy cơ phát triển tiền sản giật ở những sản phụ có nguy cơ cao.
Xử trí tăng huyết áp thai kỳ
Theo dõi ngoại trú: Đối với trường hợp nhẹ, sản phụ cần được tư vấn chế độ ăn uống lành mạnh, theo dõi huyết áp thường xuyên và kiểm tra định kỳ tại các cơ sở y tế.
Nhập viện điều trị: Tiền sản giật nặng hoặc xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như phù phổi, suy thận, hoặc nhau bong non đòi hỏi phải nhập viện và cân nhắc chấm dứt thai kỳ khi thai ≥ 34 tuần.
Phương pháp điều trị
Magnesium sulfate: Được sử dụng để phòng ngừa và điều trị co giật trong trường hợp tiền sản giật nặng.
Thuốc hạ huyết áp: Bao gồm Methyldopa, Labetalol, Nifedipine, Nicardipine và Hydralazine được chỉ định khi huyết áp tâm thu ≥ 150 mmHg hoặc tâm trương ≥ 100 mmHg.
Tiên lượng lâu dài
Sau sinh, sản phụ cần được theo dõi huyết áp trong vòng 12 tuần để đảm bảo không phát triển thành tăng huyết áp mạn tính. Việc tư vấn về nguy cơ tái phát tiền sản giật trong các lần mang thai sau và nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch trong tương lai là rất cần thiết.
Tăng huyết áp thai kỳ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ mà còn gây ra nhiều hậu quả lâu dài. Việc tầm soát sớm, quản lý hiệu quả và tuân thủ các hướng dẫn y khoa là chìa khóa để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm, đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.