Sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà và cần làm công thức máu hàng ngày. Khi có các biểu hiện đau vùng gan, chân tay lạnh, chảy máu cam, đi ngoài ra máu... thì nên tới cơ sở y tế ngay lập tức.
Các ca sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng. Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, các ca tử vong vì sốt xuất huyết đều giảm, tuy nhiên người bệnh không thể chủ quan. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp và những hiểu lầm khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết.
Bị sốt xuất huyết rồi có bị lại không?
Có 4 type huyết thanh gây bệnh sốt xuất huyết Dengue. Khi cơ thể đã mắc sốt xuất huyết do 1 type thì không thể sản sinh ra miễn dịch chéo sang type khác. Vì vậy một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần bởi các type khác nhau.
Vì sao sốt xuất huyết nên ăn mềm?
Khi bị sốt xuất huyết người bệnh không cần kiêng gì và phải lưu ý bù đủ nước. Chế độ ăn tốt nhất cho người bệnh sốt xuất huyết là chế độ ăn giàu dinh dưỡng giúp nâng cao thể trạng. Thông thường khi tiểu cầu giảm, cơ thể sẽ chán ăn, khả năng ăn uống kém hơn do chức năng gan bị ảnh hưởng khiến enzyme gan tăng. Tuy nhiên người bệnh cần cố gắng ăn đủ chất để cơ thể nhanh hồi phục.
Lưu ý quan trọng nhất lúc này là cần ăn đồ ăn mềm bởi khi tiểu cầu giảm nguy cơ xuất huyết sẽ cao. Đồ ăn mềm không chỉ giúp cơ thể bổ sung nước mà còn giúp răng không bị chảy máu. Chảy máu ở răng sẽ tạo ra tâm lý sợ hãi cho người bệnh. Bên cạnh việc ăn các đồ ăn mềm, người bệnh không nên ăn những đồ ăn có màu đậm như thanh long đỏ, củ cải đỏ… vì có thể gây nhầm lẫn với việc đi ngoài ra máu.
Bị sốt xuất có được tắm không?
Không chỉ khi sốt xuất huyết mà ngay cả khi cơ thể bị sốt cũng cần tránh để bị nhiễm lạnh. Khi bị sốt xuất huyết có thể không tắm trong những ngày sốt cao vì lúc này khó có thể giữ ấm được cho cơ thể.
Qua giai đoạn sốt, người bệnh có thể tắm nhưng cần lưu ý không được chủ quan. Bởi lúc này tiểu cầu trong cơ thể giảm đồng thời rối loạn về vận mạch. Đây là giai đoạn người bệnh dễ bị ngất, choáng. Nếu trong lúc tắm bị va chạm, chảy máu… sẽ khó cầm máu hơn so với thông thường và khiến bệnh tình nặng hơn.
Vì sao nên hạn chế đi lại?
Khi bị sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm dễ bị choáng và ngất. thậm chí khi bị va chạm hoặc chấn thương người bệnh sẽ có nguy cơ chảy máu và xuất huyết cao hơn, điều này rất nguy hiểm. Đặc biệt với người già, người gặp khó khăn khi vận động, phụ nữ mang thai… cần được người nhà theo dõi/giúp đỡ khi đi lại để tránh các nguy cơ té ngã.
Ai cần theo dõi kỹ khi mắc sốt xuất huyết?
Với những người trên 60 tuổi, khi mắc sốt xuất huyết sẽ bắt buộc nhập viện. Bởi người cao tuổi thường có các bệnh nền đi kèm và cần được theo dõi sát để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra, giảm nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, các đối tượng như người có bệnh nền (tim mạch, huyết áp, đái tháo đường...), phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch… cũng là những đối tượng cần được giám sát y tế vì có nguy cơ gặp các biến chứng.
Bị sốt xuất huyết có nên truyền không?
Nhiều người bị sốt xuất huyết thường đến các phòng khám để truyền nước với suy nghĩ bù nước cho cơ thể. Tuy nhiên, khi bị sốt xuất huyết không được truyền các dung dịch cao phân tử, dung dịch đạm, thuốc bổ và không được dùng thuốc có chứa corticoid, thuốc kháng sinh. Các nhóm thuốc có chứa salicylic có khả năng gây chảy máu cho người bệnh do vậy cũng cần thận trọng khi sử dụng.
Sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Nếu điều trị đúng phác đồ, bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng sốt xuất huyết do vậy để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cần vệ sinh môi trường xung quanh diệt muỗi, bọ gậy và sử dụng các biện pháp phòng tránh muỗi như: dùng màn khi ngủ, bôi thuốc chống muỗi…