Kẽm là một khoáng chất thiết yếu có thể được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm. Bổ sung kẽm khi mang thai mang lại nhiều lợi ích cho mẹ bầu và thai nhi.
Theo BS Nguyễn Tuấn Anh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, việc bổ sung đủ lượng kẽm trong chế độ ăn uống trong thai kỳ rất quan trọng, giúp ngăn ngừa bệnh tật. Điều này là do khi mang thai, hệ thống miễn dịch của mẹ bầu ưu tiên bảo vệ sức khỏe của thai nhi đang phát triển.
Một số lợi ích của kẽm trong thai kỳ
- Cần thiết cho sự phát triển của thai nhi
Thai nhi trong bụng mẹ cần kẽm để phát triển bình thường. Thiếu kẽm có thể làm giảm lượng insulin cung cấp cho cơ thể và khiến quá trình phân hủy carbohydrate diễn ra chậm hơn, làm tăng khả năng bị nhiễm trùng. Thiếu kẽm cũng có thể dẫn đến thiếu collagen, gây tổn thương các mô cơ thể và hệ tiêu hóa.
- Giúp duy trì cảm giác ngon miệng lành mạnh
Điều này rất quan trọng vì nhiều phụ nữ mang thai bị ốm nghén hoặc chán ăn. Sự thiếu hụt kẽm có thể gây ra cảm giác chán ăn và không thể ăn uống đúng cách, dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Đây là lý do tại sao mẹ bầu cần tiêu thụ đủ kẽm trong thời kỳ mang thai.
- Cần thiết cho hệ miễn dịch của mẹ và bé
Kẽm giúp hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn và có khả năng đề kháng tốt hơn. Điều này rất cần thiết cho sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi, giúp bảo vệ khỏi bệnh tật. Nó cũng có thể giúp ngăn ngừa sinh non.
- Giúp da khỏe mạnh và tăng trưởng tóc
Kẽm cần thiết cho việc phát triển làn da và móng tay khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, hỗ trợ sức khỏe da đầu và giúp ngăn ngừa rụng tóc trong thời kỳ hậu sản.
- Giúp phân chia và tăng trưởng tế bào
Thiếu kẽm có thể dẫn đến sự thay đổi protein DNA và RNA, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và dẫn đến sinh non. Nếu bị thiếu kẽm khi mang thai, cũng có thể làm chậm quá trình phân chia và phát triển của tế bào, điều này có nguy cơ dẫn đến thai nhi nhỏ hơn hoặc thậm chí là sảy thai.
- Giúp phát triển trí não của thai nhi
Kẽm kích thích các chất dinh dưỡng thiết yếu từ mẹ sang con, điều này rất quan trọng cho sự phát triển thần kinh của bé. Kẽm còn đóng vai trò phá vỡ các acid béo cần thiết cho sự phát triển trí não của bé.
- Giúp trẻ phát triển thể chất và tinh thần
Kẽm đã được chứng minh là có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch và phân chia tế bào của trẻ, giúp bé phát triển khỏe mạnh trong thời kỳ thơ ấu. Việc thiếu kẽm ở trẻ em còn có thể dẫn đến chậm phát triển về thể chất và tinh thần, có thể gây ra tình trạng khuyết tật học tập sau này.
- Thúc đẩy thị lực khỏe mạnh
Sự thiếu hụt kẽm có thể dẫn đến quáng gà, ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc bản thân và người thân khi mang thai. Kẽm rất cần thiết cho sức khỏe của võng mạc, vì vậy hãy đảm bảo ăn đủ thực phẩm giàu kẽm trong suốt thai kỳ.
- Có tác dụng tích cực đến tim và phổi
Kẽm giúp duy trì mức huyết áp khỏe mạnh. Ăn uống đầy đủ, đúng cách khi mang thai giúp điều chỉnh huyết áp mang lại môi trường lành mạnh cho em bé. Nó cũng có thể hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.
Liều lượng kẽm cần thiết khi mang thai
Khi thiếu kẽm có thể dẫn đến dị tật nhau thai, không tốt cho sự phát triển của bé. Điều quan trọng đối với phụ nữ khi mang thai là phải đảm bảo bổ sung đủ lượng kẽm mỗi ngày để đảm bảo sự phát triển thích hợp của thai nhi.
BS Nguyễn Tuấn Anh cho biết liều lượng chung của kẽm là từ 11 mg - 12 mg tùy theo độ tuổi của người phụ nữ. Khi mang thai hoặc cho con bú, phụ nữ cần một lượng kẽm nhiều hơn bình thường một chút, 15 - 25 mg kẽm nguyên tố/ngày.
Lượng kẽm hàng ngày cho phụ nữ mang thai phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tuổi tác và tình trạng thiếu hụt kẽm được đánh giá qua xét nghiệm. Không nên tiêu thụ quá nhiều chất bổ sung kẽm vì có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Lưu ý, việc chỉ định bổ sung kẽm luôn được các chuyên gia dinh dưỡng, các bác sĩ khuyến khích tăng cường qua chế độ ăn đa dạng thực phẩm, ăn các loại thực phẩm giàu kẽm, thực hiện những thói quen ăn uống có lợi cho hấp thụ kẽm…
Nên tiêu thụ các loại thực phẩm giàu kẽm khi mang thai như sữa chua, quả bơ, các sản phẩm từ sữa, trứng, ngũ cốc nguyên hạt (bột yến mạch, quinoa), các loại hạt (bí ngô, hạt vừng, hạnh nhân, hạt điều), thịt (thịt bò, thịt cừu, thịt gà), cá (cá hồi hoặc cá bơn), động vật có vỏ (hàu, cua, sò và trai), các loại đậu (đậu xanh, đậu lăng, đậu thận), phô mai, khoai tây, cải xoăn...