Mầm bệnh truyền nhiễm có thể lây từ chó sang người

Thứ tư - 01/05/2024 20:50
Chó có thể là nguồn bệnh truyền nhiễm khi không được chăm sóc, vệ sinh, tiêm phòng
Chó có thể là nguồn bệnh truyền nhiễm khi không được chăm sóc, vệ sinh, tiêm phòng

Chó là vật nuôi quen thuộc với nhiều gia đình, song có thể gây bệnh dại, ký sinh trùng giun, sán khi không được chăm sóc, giữ vệ sinh sạch sẽ.

Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, chó là vật nuôi mang lại nhiều lợi ích và được nhiều người yêu thích, song chúng có thể mang mầm bệnh có hại hoặc là nguồn lây lan một số ký sinh trùng và bệnh truyền nhiễm cho người. Một số con chó nhìn có vẻ khỏe mạnh, nhưng thực chất mang các loại virus, vi khuẩn và có thể gây bệnh cho con người từ nhẹ đến nặng do không được vệ sinh, tiêm phòng bệnh.

Dại

Virus dại lây từ chó sang người thông qua vết cắn, cào, liếm, gây tử vong ở người khi khởi phát. Bệnh dại đứng đầu nhóm các bệnh truyền nhiễm về tỷ lệ tử vong, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine và huyết thanh kháng dại là biện pháp phòng ngừa duy nhất.

Tuy nhiên, nhiều gia đình chưa có ý thức phòng bệnh cho đàn chó. Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thống kê Việt Nam có khoảng 4,9 triệu hộ nuôi chó mèo với số lượng khoảng 7,6 triệu con chó. Số lượng chó lớn song tỷ lệ được tiêm phòng trung bình rất thấp (khoảng 47% tổng đàn, chỉ 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn). Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn có thói quen nuôi chó thả rông, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh dại.

Thực tế, số ca tử vong do dại được ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2024 đã tăng so với cùng kỳ 2023, theo Bộ Y tế. Trong đó, miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (37,8%), tiếp đến là miền Nam và Tây Nguyên (24,4%), miền Trung (13,4%).

Bác sĩ Ngọc cho biết việc phòng bệnh dại hiệu quả nhất khi người dân tiêm phòng cho vật nuôi đồng thời tiêm ngừa dại ngay khi bị cắn, cào, liếm. Những người có nguy cơ cao như bác sĩ thú y, người chăm sóc chó, mèo... nên tiêm dự phòng dại để tạo kháng thể bảo vệ sớm.

Vi khuẩn Salmonella và Capnocytophaga canimorsus

Vi khuẩn Salmonella thường sống trong ruột của các loài bò sát chim, gà, chó, mèo và thải ra ngoài môi trường qua phân. Chó thường chơi đùa ở ngoài môi trường và có thể dính mầm bệnh Salmonella lên móng vuốt, lông. Nếu nhiễm khuẩn Salmonella, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy và sốt.

Còn Capnocytophaga canimorsus có trong nước bọt của chó. Vi khuẩn có thể gây bệnh nhẹ hoặc sốt, nhiễm trùng huyết. Người có miễn dịch yếu hoặc nhiều bệnh lý như ung thư, từng phẫu thuật cắt tụy, người mới ốm dậy... có thể gặp biến chứng nghiêm trọng do vi khuẩn này gây ra.

Do đó, gia đình cần thường xuyên tắm rửa, vệ sinh các bộ phận như lông, móng vuốt của vật nuôi. Khi tiếp xúc với phân, chất thải của chó, mọi người nên rửa tay sạch để tránh đưa mầm bệnh vào cơ thể, ngoài ra không để chó liếm vào các vùng đầu, mặt, cổ và vết thương hở.

Dịch hạch

Dịch hạch do vi khuẩn yersinia pestis gây ra, có thể lây sang người qua vết cắn trung gian của bọ chét ký sinh trên cơ thể của chó. Mặt khác, bệnh dịch hạch cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với chất lỏng hoặc mô của động vật bị bệnh. Đến nay, thế giới đã xảy ra ba đại dịch dịch hạch, ghi nhận hàng trăm triệu ca tử vong.

Để phòng bệnh, gia đình nên giữ vệ sinh cho chó, diệt bọ chét nếu có, đồng thời có biện pháp xử trí con vật nếu có biểu hiện sưng hạch, chảy nước mắt, sốt, nôn mửa, sụt cân, loét miệng...

Ký sinh trùng gây giun sán ở chó.

Giun đũa, giun móc, giun tròn

Các ký sinh trùng này thường sinh sống ở đường ruột, tìm thấy ở chó con, mèo con và thải ra ngoài qua phân. Người nhiễm giun đũa chó nặng có thể bị viêm phổi, giảm thị lực một mắt, gan – lách to, nổi mề đay... Giun móc có thể gây nhiễm trùng với các triệu chứng như ngứa da, đau ở người, tiêu chảy, phát ban. Giun tròn có thể không gây ra triệu chứng ở một số người, nhưng gây tổn thương mắt ở những người khác, đặc biệt trẻ nhỏ tiếp xúc với phân vật nuôi.

Sán dây

Chó có thể nhiễm sán dây khi ăn thực phẩm bị nhiễm sán. Trẻ em có thể bị nhiễm sán do vô tình hít phải bọ chét bị nhiễm bệnh hoặc phân thú cưng chứa ấu trùng sán dây.

Sán gây ủ bệnh từ vài tháng đến vài năm, người nhiễm rất khó nhận biết. Nhiễm sán dây chó có thể có các biểu hiện như ngứa ngáy, phát ban, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, sưng hạch lympho cổ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi...

Hắc lào

Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy con người có thể bị lây hắc lào nếu chạm vào lông, da của động vật mắc bệnh. Nấm gây bệnh có thể tồn tại trên các bề mặt đồ chơi, màn, chiếu... trong nhiều tháng và trở thành trung gian lây nhiễm.

Một số loài chó như chó sục Yorkshire, chó sục Boston và Jack Russells sẽ dễ bị hắc lào hơn những loại khác. Hắc lào thường xuất hiện trên mặt, tai, đuôi và bàn chân của chó, trong khi ở mèo thường xuất hiện ở đầu, ngực, chân trước và sống lưng. Nếu thấy thú cưng bị hắc lào, cần đưa chúng đến bác sĩ thú y để điều trị càng sớm càng tốt.

Bác sĩ Tuấn Ngọc khuyến cáo mọi người khám sức khỏe định kỳ, giữ vệ sinh cá nhân, luôn rửa tay bằng xà phòng sau khi chơi hoặc tiếp xúc với chó, ngay cả khi không chạm vào con vật. Mọi người thực hiện ăn chín, uống sôi.

Khi chăm sóc thú cưng, gia đình nên đảm bảo vệ sinh và xử lý chất thải đúng cách, điều trị triệt để khi thú cưng có sán. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh từ chó, người bệnh cần đến ngay các bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn cụ thể.

Nguồn tin: Trung tâm KSBT Bến Tre:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập278
  • Hôm nay50,505
  • Tháng hiện tại1,115,056
  • Tổng lượt truy cập40,504,101
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây