Nhận biết bệnh thận mạn và phòng ngừa biến chứng

Thứ năm - 31/10/2024 02:49
“Bệnh thận mạn là những bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận, tồn tại trên 3 tháng và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Bệnh thận mạn ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan của cơ thể và dẫn đến tử vong nếu không điều trị”, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Trần Thị Mỹ Hạnh đánh giá.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị suy thận.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị suy thận.
Có 80 bệnh nhân mới/năm

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có hơn 10% dân số thế giới đang phải đối mặt với các bệnh lý về thận. Mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5 - 10 triệu người trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 8 ngàn ca mắc mới. Hiện cả nước có khoảng 5 triệu người đang bị suy thận, khoảng 26 ngàn người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo.

Riêng ở Bến Tre, mặc dù chưa có con số thống kê chính xác, tuy nhiên nhu cầu của người bệnh suy thận mạn cần được chạy thận nhân tạo tăng dần qua các năm. Ghi nhận tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, số người bệnh đến thăm khám, điều trị, đăng ký chạy thận nhân tạo tăng dần từ năm 2005 đến nay. Cụ thể, năm 2005, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu trang bị 2 máy chạy thận nhân tạo nhưng do nhu cầu bệnh ngày càng tăng số lượng máy tăng theo từng giai đoạn. Năm 2016, bệnh viện có 30 máy, đến nay đã có 56 máy thận nhân tạo, 2 máy HDF online phục vụ cho bệnh nhân chạy thận với công suất mỗi ngày có 4 bệnh nhân chạy/máy.

Năm 2023, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thực hiện gần 50 ngàn lượt chạy thận nhân tạo cho hơn 320 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Dù số máy chạy thận liên tục được trang bị mới, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu chạy thận của bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: Trung bình mỗi năm có 80 bệnh nhân mới tại phòng Thận nhân tạo của bệnh viện. Điều này cho thấy số bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối ngày càng gia tăng. Đây là bệnh lý không hồi phục, khi mắc bệnh thì cần phải điều trị suốt đời. Chi phí điều trị tốn kém, mất thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng sống của người bệnh và gia đình.

Nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh

Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: Mỗi cơ quan trong cơ thể đều có chức năng riêng biệt. Mỗi người có 2 quả thận và thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như: cân bằng nước, điện giải, kiềm toan, khoáng xương, tiết ra hóc-mon kích thích tạo hồng cầu, kiểm soát huyết áp. Theo Hội Thận học Quốc Tế KDIGO 2024, có nhiều dấu chứng để chỉ điểm tổn thương thận: Albumin niệu (là một chất được tìm thấy trong nước tiểu-PV) > 30 mg/g, cặn lắng nước tiểu bất thường, rối loạn điện giải và bất thường khác do tổn thương ống thận, tiền căn ghép thận hoặc độ lọc cầu thận giảm < 60 ml/phút,… Tất cả những bất thường này phải kéo dài trên 3 tháng mới được gọi là bệnh thận mạn, nếu xảy ra thoáng qua hoặc chưa đủ 3 tháng thì chỉ được gọi là bệnh thận cấp.

Thận là cơ quan đào thải chất độc của cơ thể nên một khi thận đã suy thì chức năng đào thải chất độc sẽ giảm và chất độc tăng cao trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Khi bệnh nhân bị suy thận thường chưa có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài cho đến khi vào suy thận mạn giai đoạn cuối, các triệu chứng sớm thường mơ hồ và không đặc hiệu cho suy thận. Các dấu hiệu sớm nhận biết bệnh suy thận: Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, da khô, ngứa da, phù mặt, tay chân, đau lưng, thiếu máu, thay đổi tính chất nước tiểu (tiểu bọt, tiểu máu, tiểu xá xị, tiểu ít, tiểu đêm), rối loạn giấc ngủ, vọp bẻ, co rút cơ, tăng huyết áp, khó thở, ớn lạnh.

Tỷ lệ người bị bệnh thận mạn ngày càng gia tăng mà nguyên nhân dẫn đến suy thận chủ yếu là do biến chứng của các bệnh lý như: tiểu đường, cao huyết áp…và một số thói quen sinh hoạt thiếu hoa học. Bệnh thận mạn hoàn toàn có thể được chẩn đoán từ giai đoạn rất sớm khi chưa có triệu chứng lâm sàng qua phương pháp xét nghiệm định kỳ hàng năm. Người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền căn tổn thương thận cấp thường xuyên theo dõi sức vì đây là đối tượng nguy cơ cao bệnh thận mạn. Hiệu quả điều trị sẽ tỷ lệ thuận với thời gian phát hiện và tiến hành điều trị, tuy vậy bệnh suy thận mạn có thể phòng ngừa”, bác sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết.

“Bệnh thận mạn là một sát thủ thầm lặng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây là căn bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn, các phương pháp điều trị hiện tại chỉ có thể giúp làm chậm quá trình phát triển của bệnh và giảm các triệu chứng, biến chứng trên cơ thể người bệnh. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, mỗi người nên phòng ngừa suy thận ngay từ đầu”.
 

Để phòng ngừa bệnh lý về thận bác sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh khuyến cáo: Mỗi cá nhân tuân thủ 8 quy tắc vàng để bảo vệ thận. Các quy tắc gồm: Hoạt động thể lực phù hợp, kiểm soát tốt đường huyết, theo dõi, kiểm soát tốt huyết áp, hạn chế muối, thực phẩm chế biến sẵn, uống 1,5 - 2 lít nước/ngày, không hút thuốc lá, dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, định kỳ kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ (đái tháo đường, tăng huyết áp, có tiền căn gia đình bệnh thận, có bệnh tim mạch, có tiểu đạm, tiểu máu khi xét nghiệm tình cờ,…)

Nguồn tin: Ngọc Hân:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG TIN VỀ DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA GÂY RA (nCoV)
CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
Thống kê
  • Đang truy cập187
  • Hôm nay46,731
  • Tháng hiện tại262,515
  • Tổng lượt truy cập37,795,899
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây