Viêm nướu răng là bệnh lý răng miệng do sự tích tụ của các mảng bám chứa vi khuẩn gây viêm mô nướu xung quanh răng. Tình trạng này gây kích ứng, sưng đỏ, chảy máu, thậm chí là mất răng do chủ quan không điều trị viêm chân răng kịp thời. Viêm nướu răng được xem là tình trạng viêm cấp tính phổ biến và là giai đoạn nhẹ của bệnh nha chu.
Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm nướu là vệ sinh răng miệng kém, dẫn tới các mảng bám hình thành. Mảng bám răng là một màng sinh học của vi sinh vật (chủ yếu là vi khuẩn, nhưng cũng có thể là nấm) phát triển trên các bề mặt trong miệng.
Việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày loại bỏ mảng bám. Mảng bám răng cần loại bỏ hàng ngày bởi vì nó lại hình thành nhanh chóng, thường trong vòng 24 giờ.
Các mảng bám lâu ngày sẽ tích tụ thành cao răng ở lại trên răng, càng kích thích lợi, một phần của mảng bám xung quanh các cơ sở của răng. Theo thời gian, nướu răng trở nên sưng và chảy máu một cách dễ dàng.
Nếu không điều chỉnh thói quen đánh răng và dùng chỉ nha khoa tốt hơn, bệnh viêm nướu có thể trở nên ngày càng tồi tệ. Theo thời gian, lợi tụt ra khỏi răng, tạo ra các túi nhỏ. Những mẩu thức ăn nhỏ có thể mắc kẹt trong đây, gây nhiễm trùng, khiến răng bị lung lay hoặc phá vỡ phần xương giữ cố định, dẫn đến mất răng.
Ngoài ra, viêm nướu răng còn có các nguyên nhân khác như: Do vệ sinh răng miệng kém. Do thói quen hút thuốc. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể như phụ nữ trong thời kỳ mang thai hay sau mãn kinh… Do hệ miễn dịch bị suy yếu ở người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh HIV/AIDS, bệnh ung thư… Do tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm… làm giảm tiết nước bọt (có vai trò làm sạch vi khuẩn), nên tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn.
Viêm nướu răng ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng, dưới đây là những dấu hiệu cơ bản mà người bị viêm lợi thường gặp:
– Hơi thở có mùi hôi khó chịu: Theo thống kê, nước ta có đến hơn 90% người dân bị hôi miệng từ mức độ nhẹ đến cao. Nguyên nhân có thể là do sự xuất hiện của cao răng, các mảng bám răng, vi khuẩn và những hạt thức ăn đang phân hủy trong miệng, khiến mùi hôi lúc nào cũng tồn tại ngay cả khi làm sạch răng miệng.
– Sưng tấy: Khi viêm dẫn đến tình trạng lợi bị sưng phồng lên, khi chạm vào dễ gây đau đớn. Khi ăn, chạm vào lợi gây cảm giác đau nhức, khó chịu.
– Thay đổi màu sắc: Viêm nhiễm khiến cho lợi chuyển dần từ màu hồng nhạt sang màu đỏ hoặc đỏ sẫm.
– Dễ bị chảy máu: Bởi sự viêm nhiễm nên dễ bị tổn thương, chỉ cần va chạm nhẹ như đánh răng, xỉa răng bằng tăm,… là lợi đã chảy máu cũng là dấu hiệu của căn bệnh này.
– Xuất hiện mảng bám (cao răng): Các mảng bám này bị lắng đọng bởi những vi khuẩn có hại, vụn thức ăn,… và thường bám ở cổ răng, dưới nướu răng, kẽ răng, từ đó gây ra viêm lợi.
– Răng bị lung lay nhẹ: Khi viêm nhiễm kéo dài, phần nướu ở chân răng người bệnh yếu đi, chức năng bảo vệ răng của lợi cũng mất dần làm cho răng bị lỏng hoặc lung lay.
– Tụt lợi chân răng: Là khi giữa răng và lợi xuất hiện những khe hổng, sâu (còn gọi là túi lợi). Những khe hở này là nơi trú ẩn lý tưởng của các mảng bám, thức ăn thừa, vi khuẩn có hại gây viêm lợi.
Các giai đoạn sớm của bệnh viêm nướu thường có thể hồi phục bằng cách chải răng và sử dụng chỉ nha khoa đúng cách, súc miệng nước muối thường xuyên giúp ngăn ngừa hình thành mảng bám.
Cách duy nhất để loại bỏ những mảng bám hình thành và đã cứng lại thành cao răng là đến bác sĩ nha khoa để làm sạch răng.
Tại nhà, khi bị viêm nướu răng có thể dùng nước muối để súc miệng. Đây là cách chữa viêm đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ cần pha hai đến ba thìa cà phê muối vào cốc nước ấm (khoảng 240ml). Sau đó, ngậm nước muối trong khoảng 2 phút để nước muối tràn qua các kẽ răng và nướu rồi súc miệng lại thật sạch với nước sẽ làm giảm sưng, đau nướu răng hiệu quả.
Nếu tình trạng không thuyên giảm cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và chỉ định phù hợp. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định xem xét dùng kháng sinh, giảm đau, kháng viêm, giảm phù nề, vitamin. Sau đó sẽ chỉ định điều trị các nguyên nhân gây viêm nướu như: sửa chữa các lệch lạc răng, chất hàn thừa, điều trị sang chấn khớp cắn, cắt lại trùm. Trường hợp viêm quanh răng tụt lợi nhiều xét ghép lợi, ghép xương.
Để ngăn ngừa viêm nướu chúng ta cần chải răng hai lần một ngày, làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa hoặc thiết bị vệ sinh răng miệng chuyên dùng như máy tăm nước,… ít nhất một lần mỗi ngày. Thăm khám nha sĩ định kỳ và cao răng thường xuyên. Nếu có thói quen hút thuốc hoặc nhai thuốc lá, thuốc lào, cần bỏ để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nướu.
Nguồn tin: Trung tâm KSBT Bến Tre:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn