Trĩ là bệnh gì? Trĩ là bệnh lý phổ biến hiện nay với tỷ lệ người mắc cao. Đây là bệnh lý không quá nguy hiểm nhưng lại gây ra bất tiện trong sinh hoạt của người bệnh. Theo PGS.TS.BSCC Lê Mạnh Cường – Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, bệnh trĩ được chia làm nhiều loại và không nhất thiết cứ bị trĩ là cần phải phẫu thuật.
Trĩ là tình trạng các cụm tĩnh mạch nằm bên trong hậu môn và trực tràng bị phồng, sưng lên do chịu nhiều áp lực và chèn ép liên tục trong thời gian dài gây ra. Bệnh trĩ được chia làm 2 loại là trĩ nội và trĩ ngoại. Tuy nhiên, có rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa 2 loại trĩ này với quan niệm trĩ nội là ở bên trong, trĩ ngoại là búi trĩ sa ra ngoài. Để phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại, các bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ tổn thương.
Trĩ ngoại là tình trạng búi trĩ hình thành dưới lớp da hậu môn, khi nhìn hoặc sờ bằng tay có thể thấy nổi rõ lên xung quanh vùng hậu môn. Với trĩ ngoại, người bệnh sẽ cảm thấy đau từ sớm và đau ngày càng tăng.
Trĩ nội hình thành bên trong trực tràng và có niêm mạc bao phủ lên trên, không gây đau như trĩ ngoại. Ban đầu, người bệnh có thể chưa xảy ra tình trạng chảy máu hậu môn. Nhưng nếu khi đại tiện phải dùng nhiều sức có thể khiến ống hậu môn bị xước và gây ra ngứa, viêm nhiễm.
Trĩ nội ở giai đoạn đầu rất khó để phát hiện. Sau một thời gian, có thể phát hiện búi trĩ khi đi đại tiện dùng nhiều sức, sau khi đại tiện xong búi trĩ có thể tự co vào trong. Trĩ nội được chia làm 4 cấp độ dựa vào mức độ nặng nhẹ của bệnh:
- Trĩ nội độ 1: Là giai đoạn trĩ to trong lòng ống hậu môn, khi người bệnh đại tiện ống không bị sa ra ngoài và không gây cảm giác đau. Nếu khi đại tiện phân có thể ma sát với búi trĩ và gây chảy máu, đau rát cho người bệnh.
- Trĩ nội độ 2: Búi trĩ có hiện tượng sa xuống nhưng không rõ, thập thò ở ống hậu môn. Nếu người bệnh rặn, búi trĩ sẽ sa ra ngoài và có thể tự co lại.
- Trĩ nội độ 3: Lúc này búi trĩ trở nên dày hơn và kích thước tăng lên, bề mặt búi trĩ thô và có màu đỏ sẫm. Búi trĩ ở giai đoạn này dễ sa ra bên ngoài khi đại tiện, vận động mạnh, ho… và không thể tự thụt vào mà cần có tác động.
- Trĩ nội độ 4: Đây là giai đoạn nặng nhất, búi trĩ thường xuyên sa bên ngoài hậu môn, việc đẩy búi trĩ thụt vào rất khó kể cả dùng tay. Chỉ cần đi lại hoặc hoạt động gắng sức, búi trĩ có thể dễ dàng tụt ra bên ngoài.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp để điều trị bệnh trĩ, các bác sĩ sẽ thăm khám và xác định tình trạng bệnh để lựa chọn cách điều trị phù hợp. Có tới 90% người bệnh trĩ không cần phẫu thuật và xu hướng điều trị không phẫu thuật ngày càng tăng lên. Người bị bệnh trĩ cần phẫu thuật khi bệnh trĩ ở giai đoạn nặng như các trường hợp:
- Búi trĩ ở trạng thái tổn thương quá nặng đặc biệt là những trường hợp có biến chứng như tắc mạch trĩ gây hoại tử, chảy máu ồ ạt…
- Búi trĩ quá lớn
- Người bệnh mắc trĩ đã điều trị bằng nhiều phương pháp không phẫu thuật (tiêm xơ trĩ, thắt trĩ bằng vòng cao su, dùng thuốc…) nhưng không hiệu quả.
Bệnh trĩ có triệu chứng gì? Người bệnh có thể quan sát bằng mắt thường để phát hiện ra những bất thường cảnh báo bệnh trĩ như:
- Búi trĩ sa ra ngoài: Khi đại tiện, người bệnh thấy có búi trĩ sa ra khỏi hậu môn. Thời gian đầu, búi trĩ có thể tự co vào được, lâu ngày búi trĩ có thể sẽ không tự co lại được.
- Đau, ngứa và có dịch ẩm ướt tiết ra ở hậu môn. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do hậu môn tăng tiết dịch nhầy gây ra cảm giác khó chịu, kích thích và ngứa rát cho người bệnh, cảm giác này tăng lên khi đi vệ sinh.
- Đại tiện ra máu tươi: Lúc này búi trĩ gây chảy máu ở trực tràng, hậu môn. Khi người bệnh đi đại tiện hoặc vệ sinh hậu môn sẽ thấy có máu tươi.
Nếu người bệnh có những biểu hiện trên cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Nguồn tin: Trung tâm KSBT Bến Tre:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn