Đối với vấn đề liên quan đến ô-xy y tế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, Thường trực Ủy ban Xã hội đã báo cáo, nêu ý kiến rất rõ về vấn đề này; ĐBQH cũng có ý kiến khác nhau vấn đề có hay không đưa nội dung về khí ô-xy y tế trong dự thảo Luật.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng ô-xy y tế là một sản phẩm đặc biệt đưa vào cơ thể người bệnh để chữa bệnh, nên cần phải được luật quy định với các quy phạm có tính nguyên tắc, vì quyền lợi của người bệnh. Có quy định pháp luật về khí y tế thì Quỹ BHYT sẽ chi trả cho người bệnh khi sử dụng loại khí ô-xy y tế.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu mục đích của Bộ Y tế là có cơ sở pháp lý để Chính phủ, Bộ Y tế ban hành văn bản dưới luật, nghị định, thông tư, trong khi chưa được điều chỉnh trong Luật Dược, Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì có thể xem xét, cân nhắc đưa vào nghị quyết của Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết của UBTVQH về vấn đề này. Tuy nhiên, văn bản luật hay nghị quyết, nghị định thì phải bao hàm các loại khí sử dụng trong y tế, trong khám bệnh, chữa bệnh không nên chỉ đề cập đến ô-xy y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, với nhu cầu cấp thiết để phục vụ người bệnh, nên đưa ô-xy y tế vào các quy định của Luật. Nếu sau này thấy cần thiết thì có thể chuyển thành các quy định khác trong các luật phù hợp. Mục tiêu quan trọng nhất và trước hết là tạo hành lang pháp lý để cứu chữa cho người bệnh.
Cùng quan tâm đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về mặt chuyên môn, nếu coi ô-xy y tế là thuốc thì có thể bổ sung vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, nếu xác định ô-xy y tế không phải là thuốc, không phải là nguyên liệu làm thuốc, không phải là dược phẩm thì ô-xy y tế nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Dược.
Trong trường hợp đó, việc thiếu quy định cụ thể sẽ gây ra những bất cập trong thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng ô-xy y tế ngày càng tăng. Do đó, cần có tính toán phù hợp để sớm xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ô-xy y tế, tránh để bỏ ngỏ, tạo khoảng trống pháp lý đối với loại vật tư y tế quan trọng này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, việc lựa chọn giải pháp nào cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc quản lý ô-xy y tế, đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.
Tham gia giải trình liên quan đến vấn đề ô-xy y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, Chính phủ phát hiện ra đây là vấn đề còn khoảng trống pháp lý. Nhấn mạnh thêm, Bộ trưởng nói: "Chúng tôi thống nhất quan điểm, nếu đưa ô-xy y tế vào Luật này là tốt nhất bởi sẽ đảm bảo ngay cơ sở pháp lý, toàn bộ nội dung chi tiết sẽ do Chính phủ quy định".
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, UBTVQH thống nhất lấy quyền lợi người bệnh làm trung tâm, cần phải có quy định của pháp luật về khí ô-xy trong khám, chữa bệnh và sẽ là cơ sở để sản xuất, quản lý và sử dụng, mặt khác cũng là cơ sở để quỹ BHYT chi trả cho người bệnh khi sử dụng ô-xy y tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vì còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá kỹ lưỡng và cung cấp đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, phối hợp với Ủy ban Xã hội để đề xuất, thống nhất trong quy định văn bản pháp luật phù hợp.
Nguồn tin: Trung tâm KSBT Bến Tre:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn