Bộ Y tế hôm nay, 21/5 đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2024 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
"Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá"
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2024 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá".
Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số.
Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á.
Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13–15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023.
Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên giảm, trong đó, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc.
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Treo biển báo cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.
Tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Để tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá; hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5, cụ thể:
Tổ chức thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ qua việc xây dựng, tổ chức triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030; đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo từng thời kỳ; lồng ghép hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án khác của địa phương;
Các tỉnh, thành phố cần kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá; phân công trách nhiệm cụ thể của các thành viên Ban chỉ đạo; Ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban ngành, tổ chức đoàn thể để bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng chống tác hại thuốc lá;
Tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; treo biển báo cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc theo quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá;
Phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên về phòng chống tác hại thuốc lá tại cộng đồng trong việc vận động, hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật và tích cực tham gia hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá;
Các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng chống tác hại thuốc lá; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành theo chuyên đề về phòng chống tác hại thuốc lá theo phân cấp; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá.