Đái tháo đường thai kỳ là một bệnh lý thuộc về rối loạn chuyển hóa của cơ thể, khiến cho nồng độ đường trong máu tăng cao trong thời kỳ mang thai. Khoảng 10% thai phụ gặp phải tình trạng này. Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các kết cục xấu cho mẹ và thai.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh, tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và con.
Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc đái tháo đường thai kỳ?
Đái tháo đường thai kỳ khi có thai đang ngày càng gia tăng, nhất là ở những thai phụ có những yếu tố nguy cơ như: Cha mẹ, anh em có người bị tiểu đường, thai kỳ lần trước bị thai lưu, thai dị tật, con to hoặc ở những người có lối sống ít vận động, béo phì, cao huyết áp.
Đái tháo đường thai kỳ được chia làm 2 loại:
- Đái tháo đường thai kỳ A1: Đường huyết được kiểm soát bằng các phương pháp không dùng thuốc.
- Đái tháo đường thai kỳ A2: Phải sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết.
Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng. Hầu hết phát hiện bệnh nhờ đánh giá yếu tố nguy cơ và khám thai định kỳ. Có thể nghi ngờ mắc đái tháo đường nếu xuất hiện một số dấu hiệu như: Thường xuyên cảm thấy khát nước, tiểu nhiều hơn và ăn nhiều hơn bình thường.
Bình thường khi ăn thì tuyến tụy sẽ tiết ra insulin, một hormone giúp vận chuyển glucose vào trong tế bào và sử dụng nó để tạo năng lượng cho cơ thể. Khi đó chỉ số đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn được điều hòa ổn định, không tăng quá cao và không giảm quá thấp.
Trong thời kỳ mang thai thì bánh nhau sản xuất ra một số hormone gây tăng lượng đường trong máu. Thông thường tuyến tụy của bạn có thể tiết ra đủ insulin để xử lý nó. Nhưng nếu tuyến tụy không thể tạo đủ insulin hoặc cơ thể bạn có sự đề kháng với insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Tình trạng đó được gọi là đái tháo đường thai kỳ.
Đái tháo đường trong thai kỳ ảnh hưởng như thế nào?
Thông thường thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh nếu tình trạng đái tháo đường thai kỳ được điều trị và đường huyết được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt đường huyết, thai kỳ có nguy cơ gặp phải một số kết cục xấu như sảy thai, sinh non, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, đa ối, thai to hoặc thai chậm tăng trưởng. Mẹ bầu cũng tăng nguy cơ mắc phải tiền sản giật, mổ lấy thai…
Sau khi sinh thì trẻ có nguy cơ bị hạ đường huyết, vàng da. Nguy cơ suy hô hấp sau sinh cũng tăng lên ở những trẻ có mẹ bị đái tháo đường thai kỳ. Trong tương lai cả mẹ và trẻ đều tăng khả năng mắc phải đái tháo đường type 2.
Làm thế nào để biết bị đái tháo đường thai kỳ?
Muốn biết mình có bị đái tháo đường khi mang thai hay không, nhất là ở các thai phụ có nguy cơ cao, thì nên tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ.
Nếu xác định bị mắc đái tháo đường thai kỳ thì thai phụ cần được điều trị sớm. Mục tiêu của việc điều trị là giúp đường huyết ổn định, từ đó giảm tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng xấu cho thai kỳ như sảy thai, sinh non, thai chết lưu, thai dị tật bẩm sinh, đa ối, thai to hoặc thai chậm tăng trưởng…
Thai phụ cần áp dụng chế độ ăn giảm carbohydrate, tập các bài thể dục vận động phù hợp và tự kiểm tra đường huyết mỗi ngày. Nếu đường huyết vẫn cao sau khi đã áp dụng một chế độ ăn và vận động phù hợp, thai phụ sẽ được điều trị tiếp tục bằng thuốc tiêm insulin như một biện pháp điều trị phối hợp.
Thai phụ cần chú ý đến chế độ ăn khỏe mạnh và ít đường, cụ thể là chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày thành 3 bữa ăn chính nhỏ cùng với 2 - 3 bữa ăn nhẹ vào cùng một thời điểm trong ngày.
Chế độ ăn tăng cường các thực phẩm như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, gạo lứt, yến mạch, các loại rau, củ quả và trái cây. Bạn cần hấp thu khoảng 20 - 35 gam chất xơ mỗi ngày. Thay vì các bữa ăn nhẹ có đường như bánh quy, bánh ngọt và kem, bạn hãy thay đổi bằng các loại trái cây, thêm rau và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời lưu ý khối lượng ở mỗi khẩu phần ăn.
Hạn chế hấp thu chất béo xuống dưới 40% lượng calo mỗi ngày. Chất béo bão hòa nên ít hơn 10% tổng số chất béo bạn ăn. Nên ăn đa dạng thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cần thiết.