Bệnh Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus Sởi và Rubella gây ra. Biểu hiên chính của bệnh: sốt, phát ban, ho, chảy nước mũi, … người nhiễm Rubella có thể kèm theo nổi hạch (ở cổ, sau tai) và sưng đau khớp.
Bệnh sởi và bệnh rubella nguy hiểm như thế nào?
- Trẻ mắc bệnh Sởi có thể bị các biến chứng như tiêu chảy, viêm phổi, viêm não, mù lòa, suy dinh dưỡng, thậm chí có thể bị tử vong.
- Bệnh Rubella ở trẻ em thường nhẹ, ít biến chứng. tuy nhiên nếu người mẹ bị nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, trẻ sinh ra có thể mắc hội chứng Rubella bẩm sinh ( bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bầm sinh, chậm phát triển,…).
- Bệnh Sởi và bệnh Rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu.
- Tiêm vắc xin Sởi – Rubella là cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả
- Cho trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng mở rộng:
+ Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi (vắc xin Sởi)
+ Mũi 2: Tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi (vắc xin Sởi – Rubella)
Nếu trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ. Liên hệ Trạm Y tế nơi trẻ đang cư trú để biết lịch tiêm ngừa vắc xin Sởi – Rubella trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Các biện pháp phòng bệnh
- Không cho trẻ tiếp xúc gần với người nghi mắc bệnh Sởi, bệnh Rubella.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ.
- Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu nghi mắc bệnh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.