Ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân: Trong khói thuốc lá có trên 7.000 hoá chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, đặc biệt có hơn 70 chất gây ung thư. Hút thuốc lá sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, nhiễm trùng đương hô hấp,… các bệnh về ung thư như ung thư phổi, ung thư miệng, thanh quản, thực quản, lưỡi, tuyến nước bọt,… các bệnh về tim mạch như: xơ vữa động mạch, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp,... các bệnh về tiêu hóa và các bệnh lý cho thai phụ và trẻ.
Ảnh hưởng đến những người xung quanh: Không những bản thân những người hút thuốc bị ảnh hưởng mà họ còn khiến những người xung quanh phải chịu tác động xấu đến sức khỏe do khói thuốc lá do người hút thuốc gây ra. Những người này chịu tác động của khói thuốc do phải hút thuốc thụ động. Những người đó thường là những người thân trong gia đình của người hút thuốc như: vợ, con, anh, em, bạn bè hoặc những người làm việc chung một cơ quan, một phòng,...
Ảnh hưởng đến kinh tế gia đình: Người hút thuốc lá sẽ tiêu phí một khoảng tiền để mua thuốc lá, làm ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, đặc biệt ở những gia đình kinh tế khó khăn. Dân gian có câu: “Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua đất” cho thấy số tiền chi cho việc hút thuốc không hề nhỏ, nhất là ở những người nghiện thuốc. Giả sử một người nghiện thuốc hút trung bình 1 gói thuốc trong một ngày, trị giá của 1 gói thuốc trung bình khoảng 16.000đ. Nếu trong 10 năm, thì anh ta phải chi 58.400.000đ cho việc mua thuốc lá, rõ ràng đây là số tiền không hề nhỏ. Ngoài ra như trên đã nêu, hút thuốc gây ra nhiều bệnh, phần lớn các bệnh này thường kéo dài. Chi phí để chăm sóc y tế cho chính bản thân người hút và người bị hút thuốc lá thụ động trong gia đình là rất lớn.
Ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia: Để có thuốc lá sử dụng, chúng ta phải có đất để trồng cây thuốc lá. Đất canh tác dùng cho sản xuất các loại cây lương thực bị thu hẹp lại, nhường chỗ để trồng cây thuốc lá vì có lợi nhuận cao hơn. Một lượng giấy khổng lồ sẽ phục vụ cho việc vấn các điếu thuốc lá và các loại bao bì. Phải chi phí một khoản kinh phí để dọn rác thải của tàn thuốc lá, vỏ bao thuốc lá. Chi phí chăm sóc y tế cho người hút thuốc lá lẫn hít khói thuốc lá và việc giảm ngày công lao động của họ là những tổn thất rất lớn cho mỗi gia đình, đơn vị, quốc gia có nhiều người nghiện thuốc lá. Ngoài ra, thuốc lá còn có nguy cơ gây ra những vụ hỏa hoạn dữ dội và những vụ cháy rừng tàn phá tài nguyên quốc gia.
Ảnh hưởng đến môi trường: Hút thuốc lá nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, nơi công cộng,... và ngoài trời do thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất độc hại. Các đầu mẫu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng sinh ra một khối lượng rác lớn. Ước tính mỗi năm có tới 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá thải ra ngoài môi trường. Không chỉ là rác thải bẩn, đầu lọc thuốc lá còn gây hại cho các sinh vật dưới nước nếu bị bỏ lại trên bãi biển, sông, hồ hoặc trôi xuống cống thoát nước.
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo: Không có mức độ an toàn trong việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, nên để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác hại của việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động thì không khí trong nhà phải hoàn toàn không có khói thuốc. Luật phòng chống tác hại thuốc lá cũng đã chỉ rõ, “Mọi công dân được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá”, cũng như yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá" như: Cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, địa điểm vui chơi, giải trí, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao...
Thuốc lá có ảnh hưởng đa chiều đến đời sống xã hội, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực thi nghiêm túc theo những quy định của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá. Xây dựng một môi trường không có khói thuốc lá giảm thiểu tác hại do thuốc lá gây ra. Vì vậy, chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc lá phải là mục tiêu trước mắt và lâu dài để bỏa vệ sức khỏe cho cộng đồng, cải thiện kinh tế và góp phần nâng cao đời sống nhân dân.