BS Phạm Thanh Bình – Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết: Qua thực tế tầm soát trên 3.000 trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao gồm: người đã từng mắc lao được điều trị khỏi, người sống chung nhà với người nhiễm lao, người cao tuổi, có bệnh nền… Bệnh viện Lao và bệnh phổi đã phát hiện hơn 50 trường hợp mắc mới. Dựa trên kết quả thu nhận được cho thấy tình hình dịch tể lao tại Bến Tre còn phức tạp, một số bệnh nhân chưa biết mình mắc bệnh lao. Điều này làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm lao cộng đồng rất cao.
Vì với hơn 50 trường hợp được phát hiện như trên, khả năng sẽ làm gia tăng số ca nhiễm cộng đồng, phát hiện càng trễ nguy cơ dịch lây lan càng cao (bình quân mỗi năm 01 người bệnh lao lây truyền cho 10-15 người khác, như vậy, nếu 50 trường hợp kể trên không được phát hiện sẽ lây lan trung bình cho khoảng 700 người xung quanh và con số này sẽ không dừng lại). Chính vì thế chiến lược đem các thiết bị y tế hiện đại về hỗ trợ hoạt động tầm soát phát hiện sớm bệnh nhân lao trong cộng đồng là 1 trong những nhiệm vụ chiến lược, góp phần quan trọng trong việc quản lý, điều trị sớm bệnh nhân lao. Hoạt động này nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân, nhất là người lớn tuổi, gặp khó khăn trong đi lại. Cô Lê Thị Mười - xã Hưng Khánh Trung B, Chợ Lách cho biết: Sau 2 năm điêu trị khỏi bệnh lao thì cô chưa lần nào thăm khám, tầm soát lại căn bệnh này. Do điều kiện đi lại khó khăn, nhất là lo ngại lây nhiễm bệnh Covid-19 trong bối cảnh hiện tại. Vì thế được thăm gia khám tầm soát miễn phí ngay tại Trạm y tế xã đã giúp cô thuận tiện trong việc đi tầm soát, cũng giúp cô yên tâm hơn về sức khỏe của bản thân.
Đây cũng là hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này. Bởi trên thực tế, vẫn còn khá nhiều người thiếu kiến thức về bệnh lao trong cộng đồng, chủ quan trong việc thăm khám, sàng lọc căn bệnh nguy hiểm này. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, vì lo ngại lây nhiễm bệnh, mà nhiều người đã trì hoãn thăm khám. Trong khi đó, nếu phát hiện muộn, khả năng điều trị kém, mắc bệnh càng lâu, bệnh nhân có nguy cơ bị lao kháng thuốc càng lớn. Theo bác sỹ Phạm Thanh Bình- Giám đốc bệnh viện lao và Bệnh phổi, hiện nay tỷ lệ điều trị thành công và khỏi bệnh tại Bến Tre khá cao, duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Có thể thấy, việc phát hiện sớm lao chính là chìa khóa quan trọng để giúp tăng tỷ lệ điều trị thành công căn bệnh này.
Nhân ngày thế giới phòng chống lao 24/3/2022, với chủ đề “Giảm thiểu tác động của Covid -19 – Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh lao”, ngành y tế Bến Tre kêu gọi mỗi người dân tích cực hưởng ứng chương trình này bằng cách tham gia tầm soát, phát hiện sớm bệnh khi có dấu hiệu nghi ngờ như: ho kéo dài trên 14 ngày, sốt nhẹ về chiều, sụt cân, biếng ăn - mệt mỏi, đau tức ngực… đồng thời thực hiện nghiêm phác đồ điều trị lao của bác sỹ, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của bộ y tế, tích cực tham gia tiêm chủng khi có chỉ định để giảm tác động của Covid-19 lên người mắc bệnh lao. Bởi có nhiều y kiến từ các chuyên gia cho rằng: người mắc cả bệnh lao và COVID-19 có thể có kết quả điều trị kém hơn, đặc biệt nếu việc điều trị lao bị gián đoạn.
Đây cũng là trách nhiệm của mỗi người để góp phần ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao ở cộng đồng, hướng đến mục tiêu loại bỏ lao vào năm 2030 .