Ngày 31/3, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Cụ thể, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành Công văn số 2308/QLD-KD về việc mở rộng chỉ định cho trẻ em từ 6 - dưới 12 tuổi của vaccine Spikevax, hay còn gọi là vaccine Moderna. Theo đó, liều tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại. Tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đã bổ sung liều tiêm 0,25ml đối với vaccine Moderna. Đồng thời, Bộ cũng bổ sung thêm một số nhà sản xuất, nước sản xuất vaccine này.
Đến nay, Việt Nam vẫn đang triển khai kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em trong quý I và quý II năm 2022, dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tham khảo kinh nghiệm của các nước đã tiêm vaccine cho trẻ em.
Trước diễn biến dịch COVID-19 hiện nay tại Việt Nam, với số ca mắc là trẻ em tăng cao và hầu hết phục hồi nhanh chóng, nhiều phụ huynh có những băn khoăn về việc tiêm vaccine cho trẻ đã mắc COVID-19 hay những phản ứng phụ với trẻ sau tiêm vaccine. Nhiều gia đình cho rằng, trẻ mắc COVID-19 như bị cúm thông thường nên từ chối tiêm.
Trước những băn khoăn này của các gia đình, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai nêu khuyến cáo: "Với các phụ huynh, trước khi ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine COVID-19 cũng cần tìm hiểu kỹ các thông tin về vaccine, cân nhắc những khuyến cáo về tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn của vaccine... Đặc biệt, với trẻ em có bệnh nền hoặc béo phì, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi quyết định cho con em tiêm chủng hay không".
Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ lệ mắc COVID-19 ở nhóm trẻ chưa tiêm vaccine chiếm khá cao và thực tế từ các quốc gia đã triển khai tiêm là tỷ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vaccine này rất thấp. Nếu có phản ứng, những triệu chứng này sẽ biến mất sau một vài ngày, không có tác dụng phụ lâu dài.
Từng trao đổi với phóng viên về vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: "Vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA hay vector với cơ chế bắt chước virus đưa vào vật liệu di truyền của virus vào để sản xuất ra gai của con virus này, từ gai đó tạo ra miễn dịch. Quá trình này xảy ra trong một thời gian ngắn với lượng vật liệu cố định (theo liều) do đó cơ thể không bị quá tải và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các mRNA đó sẽ tự tiêu hủy và hoàn toàn không tích hợp với hệ gene của người nên không để lại những di chứng dài".
Với câu hỏi "Trẻ đã mắc COVID-19 có cần tiêm vaccine?", TS. Phạm Quang Thái cho biết, xử lý tình huống này ở trẻ em không khác gì người lớn, dù trẻ đã mắc COVID-19 nhưng vẫn cần được tiêm vaccine phòng bệnh này.
"Việc nhiễm tự nhiên, nhất là trên những đối tượng chưa hề tiêm chủng thì miễn dịch có được không thật tốt do cơ chế né tránh miễn dịch của virus. Thêm nữa, chủng Omicron thường nhiễm tại đường hô hấp trên và tồn tại nhiều ở đây thay vì tấn công xuống dưới, vì thế miễn dịch sau Omicron thực tế chưa được hiểu biết đầy đủ. Chính vì vậy việc nhiễm hay chưa nhiễm đối với trẻ em thì việc tiêm vaccine ngay sau khi hồi phục hoàn toàn cũng sẽ tạo ra miễn dịch tốt hơn cho cơ thể để phòng tránh những đợt tái nhiễm sau này", TS. Thái cho hay.
Theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine giúp giảm đi gánh nặng bệnh tật liên quan đến COVID-19 không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà cả tương lai sau này. WHO cũng cho rằng, vaccine đã được quản lý nghiêm ngặt, đồng thời chỉ định theo độ tuổi của trẻ em và thanh thiếu niên là an toàn và hiệu quả trong việc giảm gánh nặng bệnh tật ở những nhóm tuổi này.
Các thử nghiệm đối với vaccine ngừa COVID-19 công nghệ mRNA cho thấy, hiệu quả và khả năng sinh miễn dịch tương tự hoặc cao hơn so với người lớn. Vấn đề an toàn và phản ứng ở thanh thiếu niên tương tự như thanh niên. Tình trạng viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim đã được báo cáo với vaccine mRNA COVID-19 tuy nhiên ở trẻ nhỏ phản ứng này là vô cùng hiếm chỉ ở mức 1/1 triệu mũi tiêm.
Nguồn tin: Thu Hiền (Theo Báo Mới):
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn