Rượu hay đồ uống có cồn đã tồn tại trên thế giới rất lâu rồi, người ta ước tính rượu có từ 2.000 nghìn năm trước công nguyên tại vùng thung lũng của nền văn minh sông Ấn, được lên men từ gạo, lúa mạch, đường hoặc một số loại hoa. Nhưng cồn thì chính thức được các dược sỹ theo đạo Hồi trưng cất vào đầu thế kỷ thứ 8. Tại châu Âu tài liệu ghi lại sớm nhất cồn được trưng cất tại Ý vào thế kỷ XIII chủ yếu tại các tu viện, mục đích là các sản phẩm chữa bệnh để giảm đau hoặc chữa bệnh Đậu mùa. Nghệ thuật trưng cất rượu sau đó được truyền sang Scotland và Ireland cũng như phổ biến ở Châu Âu, chủ yếu là dùng nước rượu đầu để làm sản phẩm chữa bệnh vào trước thế kỷ XV. Rượu Whisky đầu tên được được sản xuất tại Scotland theo đặt hàng của nhà vua vào năm 1495. Rượu Whisky sớm nhất có ở Irland là thế kỷ 17, nhưng bằng chứng người chết do uống rượu là vào năm 1405 tai nước này: một tù trưởng đã chết do uống quá nhiều nước rượu đầu trong đêm giáng sinh. Đến gần giữa thế kỷ XVI, vua Henry VIII của Anh đã giải tán các tu viện, chính vì vậy rượu được chuyển từ sản xuất tại tu viên sang các hộ gia đình.
Rượu vang cũng đã được uống rất lâu trên thế giới, bằng chứng sớm nhất về rượu vang trên thế giới là tại Trung Quốc, vào khoảng 7.000 năm trước công nguyên và tại Georgia là 6.000 năm trước công nguyên.
Bia là đồ uống có cồn xuất hiện lâu nhất trên thế giới, những kết quả khảo cổ cho thấy khoảng 13.000 năm trước công nguyên tại Isarael đã xuất hiện bia.
Như vậy, bia rượu hay đồ uống có cồn đã xuất hiện rất lâu trên thế giới, ít ai phủ nhận được bia rượu sẽ làm cho bữa tiệc trở lên vui hơn, mọi người sẽ thân mật và gần gũi hơn, nhiều câu chuyện rất khó nói đã trở thành dễ nói với nhau hơn trong bữa tiệc có sự góp phần của bia rượu. Bia rượu cũng gây không ít hệ lụy như: tai nạn giao thông, gây mất trật tự nơi công cộng, đặc biệt với sức khỏe con người. Theo các số liệu của Viện ung thư quốc gia Hoa kỳ: Người uống bia rượu từ trung bình đến nặng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng và thanh quản từ 2 - 5 lần so với người không uống bia rượu. Đối ung thư thực quản chỉ cần có uống bia rượu sẽ làm tăng từ 1,3 - 5 lần so với người không uống bia rượu. Ung thư gan làm tăng gấp 2 lần ở những người có uống bia rượu nhiều, đặc biệt nguy cơ tăng cao ở người uống nhiều bia rượu mà lại có kèm theo nhiễm virus viêm gan B hoặc C. Nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ cũng tăng từ 1,23 - 1,6 lần ở người uống bia rượu từ trung bình tới nhiều. Ung thư đại tràng cũng tăng từ 1,2 - 1,5 lần ở người uống bia rượu từ trung bình tới nhiều. Nếu uống bia rượu đồng thời có hút thuốc lá sẽ làm tăng cao khả năng ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản và thực quản hơn người chỉ uống rượu hoặc hút thuốc lá đơn thuần. Uống bia rượu nhiều làm tăng nguy cơ ung thư tụy từ 1.17-1.74 lần.
Khi uống bia rượu chỉ sau 5 phút đã có tác động lên não làm tăng tiết dopamin giúp cho cơ thể khoan khoái dễ chịu và có phần hưng phấn quên hết mệt nhọc. Đây là lý do nhiều người thích uống bia, rượu. Những ai đã uống hoặc thích uống bia rượu cũng cần hiểu kỹ về bia rượu. Một đơn vị cồn tương đương 10 gam cồn (ethanol) nguyên chất chứa trong bia hoặc rượu.
Cách tính đơn vị cồn trong bia, rượu
Đơn vị cồn |
= |
Dung tích (ml) |
X |
Nồng độ (%) |
X |
0.79 (hệ số quy đổi) |
Ví dụ: một lon bia 330 ml và nồng độ cồn 5% sẽ có số gam cồn là:
330 x 0,05 x 0,79 = 13 g; tương đương 1,3 đơn vị cồn.
Như vậy, một đơn vị cồn tương đương với:
- 3/4 lon bia 330 ml (5%);
- Một cốc bia hơi 330 ml (4%);
- Một ly rượu vang 100 ml (13,5%);
- Hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml (30%)
Theo khuyến cáo của Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ: Uống rượu trung bình là khi uống không quá 2 đơn vị rượu /ngày với nam giới và không quá 1 đơn vị /ngày với nữ giới. Uống rượu nhiều là khi uống trên 4 đơn vị rượu /ngày với nam giới và trên 3 đơn vị /ngày với nữ giới.
Có một số người cho rằng uống rượu ít hoặc trung bình và điều độ làm tăng cường sức khỏe, đặc biệt là tốt cho tim mạch. Cho tới nay chưa có số liệu rõ ràng cho thấy lợi ích của uống bia rượu điều độ có lợi cho sức khỏe, chính vì vậy mà Hội tim mạch cũng như Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ đã khuyến cáo những mọi người không nên uống rượu vì mục đích làm tăng sức khỏe với bất cứ loại bia rượu nào.
Nhiều người lại cho rằng rượu để lâu hoặc trưng cất nhiều lần sẽ không còn aldehyde để gây độc với cơ thể nữa. Điều này hoàn toàn là quan niệm sai lầm, cồn trong bia rượu là ethanol, đây là chất không gây độc, khi uống bia rượu vào ethanol sẽ chuyển hóa phần lớn tại gan tạo thành acetaldehyde, đây là chất gây tổn thương tế bào gan dẫn đến gan thoái hóa mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan và ung thư gan. Chất này cũng là yếu tố gây ra ung thư những cơ quan trong cơ thể.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều thuốc được quảng cáo có tác dụng giải độc rượu. Đây thực ra là những thực phẩm chức năng, chưa có nghiên cứu nào về mặt khoa học cho thấy rằng có tác dụng giải độc rượu với cơ thể. Một số người còn truyền tai nhau về những thuốc có tác dụng giải độc bia rượu và uống bia rượu lâu say, thực tế có một số chất khi uống vào làm chậm quá trình hấp thu ethanol trong dạ dày vào máu nên gây cảm giác chậm say, nhưng sự thực ethanol vẫn dần dần ngấm hết vào cơ thể với thời gian dài hơn và tổng lượng ethanol vào máu và chuyển hóa ở gan tạo ra acetaldehyde là không thay đổi. Gan là cơ quan khử độc quan trọng của cơ thể và có khả năng bù trừ tốt, thường khi không còn bù được đồng nghĩa với bệnh đã ở giai đoạn muộn và việc điều trị khi đó rất khó khăn. Vì vậy, bệnh gan gây ra do rượu bia thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, giai đoạn mà khi dừng uống bia rượu gan cũng không còn hồi phục hoàn toàn được nữa.
Thực tế đời sống hàng ngày là vẫn cần có bia rượu như những hương vị của cuộc sống, nhưng chúng ta không nên uống quá nhiều đặc biệt là không nên thường xuyên uống bia rượu, vì dễ gây cảm giác nghiện hay phụ thuộc rượu cũng như bệnh tật do bia rượu gây ra.