Theo đó, thực hiện kế hoạch hậu kiểm năm 2022, Cục An toàn thực phẩm đã rà soát quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook, phát hiện nhiều đường link quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh thông qua các video hành nghề lương y, nhà thuốc gia truyền bốc thuốc khám chữa bệnh và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Thực phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; Tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm cũng quy định: không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Tại khoản 15 Điều 6 Luật dược quy định cấm “thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc”.
Để quy định pháp luật được thực thi nghiêm minh, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế thực hiện điểm 6 của Công văn số 1504/BYT-ATTP ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Bộ Y tế về tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại các cơ sở hành nghề y dược, đông y, đồng thời đề nghị Sở Y tế phối hợp với Hội Đông y, Hội Y – Dược tỉnh quán triệt, phổ biến để các Lương y và người hành nghề Y, Dược không vi phạm về quảng cáo thực phẩm.