Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng, lượng nước ngọt đầu nguồn về giảm. Bắt đầu từ giữa tháng 1 năm 2020, nước có độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu (đến 40km tính từ cửa sông) vào các nhánh sông chính trên địa bàn Bến Tre như sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên... ghi nhận ngày 22/2/2020 có nơi đã lên 7,4‰. Cùng với đó tình hình dịch bệnh và các chất thải trong chăn nuôi ở một số hộ chăn nuôi chưa được xử trí đúng cách làm cho nguồn nước sạch sinh hoạt giảm nhiều về số lượng cũng như chất lượng, nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân.
Chúng ta đều biết nên sử dụng nước sạch nhưng ít ai biết được thật sự nước nào là sạch. Nước sạch để sử dụng hằng ngày được chia làm 2 loại là nước sinh hoạt và nước cho ăn uống trực tiếp. Nước sinh hoạt là nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt thông thường hàng ngày: để tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng,… không sử dụng để ăn uống trực tiếp hoặc dùng cho chế biến thực phẩm tại các cơ sở chế biến thực phẩm. Nguồn nước sạch ngoài nhận biết bằng cảm quan: không màu, không mùi, không vị,… còn cần đảm bảo được các tiêu chí sinh hóa theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN 02:2009/Bộ Y tế. Hay phải đảm bảo quy chuẩn QCVN 01:2009/Bộ Y tế nếu là nước để ăn uống trực tiếp. Nước sinh hoạt có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người. Thiếu nước gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe đặc biệt là sự phát sinh và lây nhiễm nhiều bệnh. Khi thiếu nước sạch, mọi người thường hạn chế rửa tay. Do đó làm tăng thêm khả năng mắc các bệnh lây qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, tiêu chảy, thương hàn, viêm gan A, bại liệt... bệnh tay chân miệng. Ngoài ra thiếu nước còn dẫn đến hạn chế trong việc tấm giặt hàng ngày, giảm chất lượng vệ sinh thân thể dễ mắc các bệnh về mắt, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa. Đa phần các bệnh về mắt, bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa có thể lây truyền sang người khỏe mạnh qua nước. Những đối tượng dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm chủ yếu là trẻ nhỏ, bởi sức đề kháng của trẻ còn yếu, mặt khác, một số trẻ ý thức vệ sinh cá nhân chưa cao, các bậc cha mẹ chưa có cách phòng ngừa khoa học. Thức ăn, nước uống không được đậy kín bị ruồi, gián, côn trùng động vào. Vì nhiều lý do khác nhau như: không có nước sạch, tiết kiệm chi phí và thuận tiện cho sinh hoạt… Thực tế, vẫn có nhiều người dân sử dụng trực tiếp nước ở sông, kênh, rạch phục vụ cho sinh hoạt tấm rửa, giặt giũ… trong gia đình. Mặc dù thực trạng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Người dân thật sự đang không biết hay cố không biết rằng: họ đang dung nạp vào cơ thể một lượng lớn vi khuẩn và các chất gây hại có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nước mặn đang tiếp tục xâm nhập sâu. Không chỉ làm giảm đáng kể lượng nước ngọt cho sinh hoạt người dân do các nhà máy nước thiếu nguồn nước, mà nó còn uy hiếp hàng nghìn héc-ta hoa màu, cây ăn quả và chăn nuôi thủy sản của bà con nông dân. Trong đó, vườn cây giống, hoa kiểng tại huyện Chợ Lách có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. Việc sử dụng các loại nước thay thế cũng tiềm ẩn nhiều khả năng gây bệnh cho người dân như:
Nước giếng tuy không mặn nhưng thường bị nhiễm phèn và chứa các khoán chất kim loại (săt, đồng, kẽm..), ô nhiễm thạch tín (asen)… Nước giếng khoan cũng có thể nhiễm chất thải chăn nuôi, sinh hoạt nếu không đảm bảo về khoảng cách. Chất lượng nước tùy thuộc mạch nước nên rất khó xác định. Vậy nên cần cẩn trọng khi sử dụng.
Nước mưa phụ thuộc nhiều vào chất lượng không khí, có thể lẫn nhiều khói bụi, hóa chất nếu gần các khu công nghiệp, nhà máy. Nó còn phụ thuộc vào máng hứng, vật dụng dự trữ… nếu không được vệ sinh che chắn cẩn thận thì khả năng nhiễm khuẩn, và chứa cặn bẩn cao. Nên khi sử dụng nước không được lọc hay nấu chín có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhất là các bệnh tiêu hóa.
Nhu cầu nước tăng cao, lượng nước ngọt khan hiếm khả năng người dân dùng các loại nước lọc đóng thùng kém chất lượng, giá cao của các cơ sở sản xuất nước không uy tín cũng có thể xãy ra.
Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức về việc sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước và xử lý nước đúng cách.
Nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Trong trường hợp không có nguồn nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý theo các bước sau đây:
Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.
Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.
Đối với hộ gia đình: Thường khử trùng nước bằng Cloramin B. Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong.
Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được.
Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo.
Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.
Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng.
Giữ sạch nguồn nước: bằng cách không vứt rác bừa bãi ảnh hưởng đến nguồn nước sạch; không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn…
Tiết kiệm nước sạch: Giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt hàng ngày; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước sinh hoạt vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây…
Xử lý phân người: Vận động và ứng dụng tốt các giải pháp để xây dựng các loại nhà tiêu hợp vệ sinh (tự hoại, bán tự hoại, hai ngăn, thấm dội nước)
Xử lý phân gia súc, động vật: Cần thu gom với hố ủ hợp vệ sinh, chuồng trại cách xa nguồn nước theo qui định vệ sinh tối thiểu 10 mét.
Xử lý nước thải: Cần có hệ thống xử lý nước thải do sinh hoạt (cống ngầm kín) rồi đổ ra hệ thống cống chung, đồng ruộng hoặc sông rạch sau khi đã được xử lý chung hoặc riêng.