Bệnh giun đũa là một loại bệnh do nhiễm ký sinh trùng ở người. Người mắc bệnh là do nhiễm phải ấu trùng giun đũa chó (Toxocara canis). Tác nhân ít gặp hơn là ấu trung giun đũa mèo (Toxocara cati) và giun đũa lợn (Ascaris suum), vốn không phải ký sinh vật tự nhiên ở người.
Các biểu hiện của bệnh chủ yếu là do ấu trùng di chuyển trong cơ thể người đến các nội tạng, mắt. Đôi khi nhiễm giun đũa chó không gây nên biểu hiện nào đáng kể và chỉ được phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khoẻ hoặc xét nghiệm tầm soát.
Người bị nhiễm bệnh giun đũa chó như thế nào?
Khi người ăn phải thực phẩm bị nhiễm trứng giun trong đất hoặc thức ăn bị ô nhiễm hoặc ăn phải kén ấu trùng có trong mô của vật chủ trung gian chưa được nấu chín. Sau khi ăn vào, trứng nở ra, ấu trùng xâm nhập vào thành ruột và theo máu đến nhiều cơ quan khác nhau như gan, tim, phổi, não, cơ, mắt.
Ai dễ mắc bệnh giun đũa chó?
Bệnh giun đũa chó có thể xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng thường gặp ở vùng nhiệt đới nhiều hơn vùng ôn đới, ở nông thôn nhiều hơn ở thành thị, và thường hay gặp ở các cộng đồng có thói quen ăn uống, sinh hoạt kém vệ sinh.
Ngoài ra, các số liệu thống kê cho thấy, trẻ em mắc bệnh nhiều hơn người lớn, đặc biệt thường gặp ở trẻ từ 2 đến 5 tuổi.
Bệnh giun đũa chó thường biểu hiện như thế nào?
Bệnh giun đũa chó có biểu hiện đa dạng, với các mức độ từ nhẹ đến nặng, tuỳ thuộc vào cơ quan bị ấu trùng xâm nhập.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm: Sốt, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn ói, gan lách to, phát ban, ho, khó thở, nhức đầu, rối loạn hành vi, rối loạn giấc ngủ,… Trong trường hợp rất nặng, người bệnh còn có thể bị hôn mê.
Ngoài ra, mày đay mạn tính là biểu hiện da thường gặp nhất, và đây cũng là một trong các triệu chứng phổ biến làm cho người bệnh phải đi khám bệnh.
Cá biệt có một số người bệnh có thể tử vong, do ấu trùng xâm nhập vào não và tim, tuy nhiên biến chứng này rất hiếm gặp.
Bệnh giun đũa chó ở mắt thường xảy ra một cách khu trú, đơn độc, ít khi biểu hiện triệu chứng toàn thân hoặc có biểu hiện rất nhẹ. Bệnh thường gặp ở trẻ lớn và thanh thiếu niên. Tổn thương ở mắt thường là giảm thị lực một bên mắc, sau đó lác mắt và mù mắt.
Bệnh giun đũa chó được chẩn đoán như thế nào?
Bệnh giun đũa chó được chẩn đoán dựa vào:
Tiền sử có tiếp xúc với chó, đặc biệt là chó con thường gây nhiễm bệnh nhiều hơn, hoặc tiếp xúc với đất cát, nước bị ô nhiễm.
Các biểu hiện lâm sàng của người bệnh và các xét nghiệm công thức máu cho thấy tăng số lượng bạch cầu và có nhiều bạch cầu ái toan trong máu.
Ngoài ra, còn có thể làm thêm các xét nghiệm như IgE, huyết thanh chẩn đoán, xét nghiệm dịch não tuỷ, các chẩn đoán hình ảnh như chụp CT scan, MRI,…
Khi nào cần điều trị bệnh giun đũa chó?
Bệnh giun đũa chó có thể tự giới hạn và khỏi trong vòng vài tuần do vậy đối với các trường hợp nhẹ thì không cần phải điều trị đặc hiệu mà chỉ cần điều trị triệu chứng.
Đối với các trường hợp bệnh trung bình đến nặng như trường hợp gây bệnh ở đường hô hấp, cơ tim và thần kinh trung ương thì cần phải điều trị bằng thuốc tẩy giun phối hợp với thuốc kháng viêm corticoid hoặc không.
Bệnh giun đũa chó biểu hiện ở mắt cần phải điều trị bằng corticoid và thuốc tẩy giun với thời gian kéo dài hơn. Một số trường hợp có thể còn cần phải kết hợp can thiệp phẫu thuật tại chỗ bởi bác sĩ chuyên khoa.
Phòng ngừa bệnh giun đũa chó như thế nào?
Giữ vệ sinh tốt, xử lý phân vật nuôi kịp thời, tẩy giun định kỳ cho vật nuôi là những chiến lược quan trọng phòng ngừa bệnh giun đũa chó ở người.
Rửa tay sau tiếp xúc vật nuôi và đất cát bị ô nhiễm phân vật nuôi. Không ăn thịt vật nuôi chưa nấu chín.