Khắc phục hạn chế trong công tác phòng chống bệnh dại

Thứ tư - 24/04/2024 21:10
Công tác phòng chống bệnh dại trên động vật lây sang người được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo ngành chuyên môn và địa phương tập trung triển khai từ nhiều năm qua. Đến nay, tình hình dịch bệnh dại từ động vật lây sang người vẫn diễn biến phức tạp. Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, thiết nghĩ từng đơn vị cần rà soát, tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Các xã, thị trấn phải lập sổ quản lý vật nuôi, người nuôi chó mèo phải đăng ký với UBND xã để theo dõi tiêm phòng.
Các xã, thị trấn phải lập sổ quản lý vật nuôi, người nuôi chó mèo phải đăng ký với UBND xã để theo dõi tiêm phòng.
Nguy cơ gia tăng

Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dại trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, ghi nhận 11 ổ bệnh dại trên động vật, tăng 450% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn các ổ dịch bệnh này xuất hiện trên chó mèo chưa có tiêm phòng vắc - xin dại. Theo nhận định ngành chuyên môn, bệnh dại có nhiều nguy cơ gia tăng trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm nắng nóng như hiện nay. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc - xin dại trên đàn chó mèo vẫn còn hạn chế.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến cuối tháng 3-2024, tổng đàn chó, mèo của tỉnh 195.171 con. Tỷ lệ tiêm phòng đạt 78,91% tổng đàn, giảm 2,86% so với tháng 2-2024. Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phan Trung Nghĩa cho biết: Trong thời gian tới, nguy cơ xuất hiện ổ dịch dại trên địa bàn rất cao do hầu hết chó, mèo sắp hết thời gian miễn dịch, đặc biệt trong tháng 4-2024 có 7% trong tổng số đàn đã tiêm vắc-xin sẽ hết miễn dịch. Mặt khác, bệnh dại không chỉ xuất hiện trên đàn chó mà còn xuất hiện trên đàn mèo. Cùng với đó, chó mèo nuôi thả rông, không xích nhốt, không được quản lý chặt chẽ trong quá trình thả rông có thể con vật mang trùng cắn nhiều chó mèo khác mà không xác định được.

Về công tác y tế, tình trạng thiếu vắc-xin, huyết thanh ở một số cơ sở y tế gây khó khăn cho người dân khi tiêm phòng sau khi bị chó mèo cắn, cào. Trên địa bàn tỉnh có 23 cơ sở tiêm chủng có triển khai tiêm ngừa vắc-xin dại, tuy nhiên hiện nay chỉ có 20 cơ sở còn vắc-xin dại (cả công và tư). Riêng công lập, có 7/10 điểm tiêm chủng công lập còn vắc-xin dại, 2 đơn vị Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách và CDC tỉnh còn huyết thanh kháng dại.

Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Hưng Nam cho biết: Với số lượng vắc-xin phòng dại còn lại chỉ đáp ứng đủ cho người dân trong thời gian hiện tại. Việc mua sắm vắc-xin sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới do khan hiếm vắc-xin. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh dại trên người. Mặt khác, việc triển khai tiêm huyết thanh kháng dại vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ dẫn đến quá tải cho tuyến trên, cũng như chưa đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân trong giai đoạn số ca phơi nhiễm vi - rút dại gia tăng.

Đảm bảo số liệu sát thực

Theo các chuyên gia, điều kiện tiên quyết để khống chế ca mắc và tử vong do bệnh dại trên người là đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin phòng dại trên vật nuôi đạt trên 80%/tổng đàn nuôi liên tục trong 2-3 năm. Tuy nhiên, hiện nay số liệu thống kê tổng đàn và tỷ lệ tiêm chủng của địa phương “nhảy múa”, việc thống kê, giám sát tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại trên động vật chưa chặt chẽ, chưa sát thực tế nên chưa mang lại ý nghĩa thật sự trong công tác phòng chống dịch.

Theo ông Phan Trung Nghĩa, khó khăn hiện nay là việc thống kê đàn chó và tỷ lệ tiêm ngừa trên vật nuôi chưa sát thực tế dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đôi khi không thật. Qua kiểm tra, công tác thống kê kiểm đàn chó xã Tam Hiệp (Bình Đại), tỷ lệ tiêm ngừa dại cho đàn chó đạt gần 93% nhưng liên tục xuất hiện 2 ổ dại trong vòng 10 ngày. Khi công bố ổ dịch để cấp vắc-xin tiêm phòng cho động vật thì tổng đàn vật nuôi thay đổi, cụ thể tổng đàn rà soát cao hơn. Các số liệu này cho thấy độ tin cậy chưa cao, mà nội dung này là thuộc trách nhiệm của UBND xã .

“Theo quy định của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh, trách nhiệm của UBND các xã, thị trấn phải lập sổ quản lý vật nuôi, người nuôi chó mèo phải đăng ký với UBND xã để theo dõi tiêm phòng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực hiện, chúng tôi nhận thấy hầu hết các địa phương chưa triển khai nội dung này”, ông Phan Trung Nghĩa cho hay. Theo lãnh đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y Cù lao An Hóa, các số liệu tổng đàn là đơn vị tổng hợp từ số liệu của xã báo lên. Tổng số đàn chó của xã Tam Hiệp là 420 con, tuy nhiên đến khi xuất hiện ổ dịch thì số liệu này được điều chỉnh tăng lên. Điều này phản ánh thực trạng việc tổng hợp báo cáo chưa mang tính xác thực ở các địa phương. Do đó các số liệu không có giá trị trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ kiểm tra thực tế tại địa phương để tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo để chấn chỉnh vấn đề quản lý tổng đàn chó tại các xã. Qua đó đảm bảo số liệu tiêm phòng chính xác góp phần mang lại hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp các địa phương thực hiện rà soát lại, thống kê đàn chó mèo thực chất để đảm bảo quản lý tỷ lệ tiêm vắc-xin và theo dõi tiêm phòng thuận tiện hơn.

Nêu giải pháp phòng bệnh dại, Giám đốc CDC tỉnh Nguyễn Hữu Định đề xuất: “Các địa phương tăng cường áp dụng hình thức xử phạt hành chính theo quy định hiện hành để tạo sự răn đe trong công tác phòng chống dịch ở lĩnh vực thú y và y tế. Qua đó tuyên truyền nâng cao ý thức chủ vật nuôi trong phòng chống dịch bênh trên động vật trên cạn. Nếu từng địa phương làm mạnh mẽ vấn đề này thì tin chắc sẽ tạo sự chuyển biến trong người dân rất tốt.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh đề nghị: Ngành nông nghiệp quan tâm thống kê đầy đủ tổng đàn chó, mèo trong tỉnh sát thực tế và đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin ngừa dại trên 80%. Hướng dẫn người dân tuân thủ quy định nuôi động vật. Các Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế tăng cường giám sát, tư vấn, truyền thông bệnh dại cho người dân; tìm giải pháp để đảm bảo nguồn vắc - xin, huyết thanh tiêm phòng cho người dân. Tập huấn cho cán bộ y tế để nắm lại các kiến thức về bệnh, phân độ dại để việc tiêm vắc-xin đúng, đủ, an toàn góp phần khống chế số ca tử vong do bệnh dại trên người trong thời gian tới.

Đồng thời phối hợp với ngành thú y nắm rõ tình hình các ổ dịch dại mới phát hoặc cung cấp thông tin cho thú y khi có ca bệnh dại trên người ghi nhận tại địa bàn. Thực hiện đúng, nhanh quy trình phòng bệnh dại khi có ca bệnh trên người xuất hiện. Phối hợp UBND xã, phường tăng cường xử phạt, tuyên truyền đến các cơ sở lấy nọc khi bị chó mèo cắn. Các cơ sở y tế tư nhân dịch vụ cần cung cấp thông tin cho ngành y tế khi có người dân đến tiêm phòng khi bị chó cắn mà có nghi ngờ đó là chó dại.

Nguồn tin: Phan Hân - Hữu Khánh::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG TIN VỀ DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA GÂY RA (nCoV)
CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
Thống kê
  • Đang truy cập177
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm156
  • Hôm nay52,675
  • Tháng hiện tại947,306
  • Tổng lượt truy cập29,696,189
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây