Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có thể lây lan thành dịch thông qua dịch tiết mũi họng của người nhiễm sởi thoát ra không khí hoặc dính trên đồ vật. Sự lan truyền từ người bệnh đến người lành có thể xảy ra khi người lành hít phải những giọt không khí chứa virus sởi sau khi người bệnh thải ra môi trường.
Trẻ chưa được tiêm vaccine ngừa sởi, trẻ nhũ nhi < 12 tháng là đối tượng nguy cơ cao của bệnh. Sau nhiễm sởi, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, do đó dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm phế quản và viêm phổi, viêm não, màng não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, viêm cơ tim, bùng phát lao, nhiễm bạch hầu, ho gà…
Sởi là một căn bệnh truyền nhiễm được gây ra bởi virus.
Mắc sởi rồi có bị lại nữa không?
Kể từ khi nhiễm bệnh sởi, thời gian ủ bệnh có thể từ 7 đến 14 ngày. Sau đó, sởi thường bắt đầu bởi các triệu chứng:
· Sốt cao trên 39 độ;
· Ho, hắt hơi, sổ mũi (viêm long hô hấp);
· Đỏ mắt, chảy nước mắt (viêm kết mạc).
Sau 2-3 ngày người bệnh xuất hiện những đốm trắng nhỏ bên trong miệng (dấu Koplik), đây là dấu hiệu sớm và điển hình giúp chẩn đoán bệnh.
Sau 3-5 ngày sẽ có biểu hiện phát ban, không ngứa, ban dạng dát sẩn, màu đỏ tía, sờ mịn, bắt đầu từ sau tai lan ra mặt, xuống ngực, bụng, cuối cùng là toàn thân, sau khi hết sẽ để lại vệt thâm da đặc trưng gọi là "vằn da hổ".
Nhiều người lo lắng cho rằng, mắc sởi rồi có mắc lại nữa không? Thực tế cho thấy khi đã tiêm phòng sởi hoặc mắc sởi rồi thì sẽ không bị mắc lại nữa. Đa số mọi người đều có khả năng miễn dịch suốt đời sau khi khỏi bệnh sởi hoặc tiêm vaccine sởi. Tuy nhiên, một số rất ít mắc bệnh sởi lần hai và đây được gọi là nhiễm trùng sởi thứ phát, sẽ xảy ra khi phản ứng miễn dịch của người này trước virus bị suy yếu theo thời gian.
Cách chăm sóc bệnh nhân sởi
Hiện chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu điều trị sởi. Đối với trẻ nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, không đến chỗ tập trung đông người để tránh lây bệnh.
Đối với bệnh nhân bị sởi thể nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà sau khi đã được bác sĩ khám và hướng dẫn, gồm:
· Cách ly người bệnh với người lành, nhất là trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng.
· Bệnh nhân sởi sốt cần cho uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38.5°C.
· Bổ sung vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với trẻ nhỏ mắc sởi còn bú mẹ cần tiếp tục bú mẹ, cho bú nhiều lần hơn, uống đủ nước mỗi ngày. Đối với trẻ lớn và bổ sung chế độ ăn hợp lý, có thể dùng nước hoa quả. Chế biến thức ăn mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa nhỏ, tránh gia vị kích thích, không kiêng khem.
Giữ vệ sinh mắt, mũi họng: nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 3 lần/ngày. Vệ sinh thân thể, tắm và lau người hàng ngày, không tắm lâu, tránh để lạnh. Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
Nếu trẻ sốt cao trên 48 giờ hoặc ban đã bay nhưng còn sốt hoặc sốt đã hạ nhưng tái phát lại cần cho trẻ tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Nếu người bệnh sởi ho đột ngột tăng lên, hoặc tiếng ho ông ổng, trẻ biểu hiện mệt hơn, thở bất thường, nhịp thở nhanh, trẻ li bì hơn… cũng cần cho nhập viện ngay.
Tóm lại: Bệnh sởi dễ mắc ở trẻ, vì vậy việc phòng bệnh vô cùng quan trọng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ từ 9 tháng tuổi cần được tiêm vaccine sởi đơn hoặc vaccine kết hợp sởi – quai bị – rubella sớm để phòng ngừa sởi hiệu quả.
Đảm bảo cho trẻ một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ mắc sởi để tránh diễn biến và biến chứng nặng.