Những điều cần biết trước khi tiêm ngừa Vắc xin phòng bệnh viêm gan B
NGUYỄN HỮU KHÁNH
2024-05-20T03:47:02-04:00
2024-05-20T03:47:02-04:00
http://cdcbentre.org/vi/news/tin-tuc-su-kien/nhung-dieu-can-biet-truoc-khi-tiem-ngua-vac-xin-phong-benh-viem-gan-b-4349.html
http://cdcbentre.org/uploads/news/2024_05/214245.jpg
http://cdcbentre.org/assets/images/logo.png
Thứ hai - 20/05/2024 03:45
Viêm gan B mạn tính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư gan. Tiêm vaccine viêm gan B là giải pháp tốt nhất giúp ngăn chặn sự phát triển của bệnh và các biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh viêm gan B và hệ lụy
Viêm gan B là nhiễm trùng gan nghiêm trọng do gan bị tấn công và tổn thương bởi virus viêm gan B (HBV). Người mắc bệnh lý này có thể đứng trước nguy cơ tiến triển nhiễm trùng mạn tính gây tử vong vì xơ gan hoặc ung thư gan.
Cụ thể, khi bị viêm gan B, người bệnh có thể được hồi phục sau nhiễm và tự tạo miễn dịch bảo vệ nhưng cũng có thể đứng trước các nguy cơ:
- Tiến triển viêm gan tối cấp và tử vong vì suy gan.
- Hệ miễn dịch không tiêu diệt được siêu vi nên bệnh tiến triển mạn tính.
Lợi ích của việc tiêm vắc xin ngừa bệnh viêm gan B
Tiêm vaccine viêm gan B giúp ngăn ngừa nhiễm virus HBV cùng các biến chứng của bệnh, nhất là suy gan và xơ gan. Tuy hiếm khi xảy ra viêm gan tối cấp nhưng tình trạng này lại liên quan đến tỷ lệ tử vong, nhất là ở đối tượng trẻ sơ sinh.
Thực tế cho thấy chương trình tiêm chủng phổ cập dành cho trẻ sơ sinh ở các nước có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao đã góp phần làm giảm tỷ lệ mắc viêm gan B mạn, giảm tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ từ 10% xuống chỉ còn 1% và giảm hẳn ½ tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tế bào gan với nhóm trẻ 6 - 14 tuổi.
Các trường hợp chỉ định đối với vaccine viêm gan B
Nhóm người khỏe mạnh nhưng có nguy cơ cao với virus HBV:
- Nhân viên y tế.
- Người làm ở phòng thí nghiệm.
- Người ở trong trại cứu tế, trại dưỡng lão,...
- Người đến vùng dịch.
- Người có nguy cơ bị bệnh qua quan hệ tình dục.
- Người có nguy cơ phơi nhiễm với virus HBV vì tính chất công việc.
- Gia đình có người bị viêm gan B, nhất là trẻ sinh ra từ mẹ bị bệnh lý này.
Nhóm bệnh nhân
- Bệnh nhân cần truyền máu thường xuyên.
- Bệnh nhân đang ở giai đoạn suy giảm miễn dịch.
- Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo.
- Bệnh nhân đang chờ ghép tạng.
Các trường hợp chống chỉ định đối với vaccine viêm gan B
Người mẫn cảm với thành phần của vaccine, nhất là người có biểu hiện mẫn cảm với loại vaccine này từ lần tiêm trước.
Lịch tiêm vaccine viêm gan B cho từng đối tượng cụ thể
1. Cho trẻ em
- Trẻ sinh ra bởi mẹ không mắc viêm gan B
+ Tiêm liều sơ sinh trong 24 giờ đầu sau khi sinh hoặc vào thời điểm sớm nhất có thể.
+ Liều 2, 3, 4 có thể tiêm vaccine phối hợp chứa thành phần viêm gan B và bắt đầu tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi. Khoảng cách tối thiểu cần đảm bảo giữa 2 liều tiêm là 28 ngày.
+ Liều cuối cùng tiêm nhắc vào mốc trẻ được 18 tháng tuổi và cần hoàn thành mũi tiêm này trước 24 tháng tuổi.
- Trẻ sinh ra bởi mẹ bị viêm gan B
Nếu mẹ bị viêm gan B thì trong vòng 24 giờ sau khi sinh, tốt nhất là 12 giờ, trẻ cần được tiêm huyết thanh kháng viêm gan B và vaccine viêm gan B để đảm bảo trẻ không bị lây bệnh. Thời điểm tiêm càng trễ thì hiệu lực của vaccine càng bị giảm đi.
Tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sinh ra từ mẹ bị viêm gan B có thể thực hiện theo 2 phác đồ: 0-1-2-12 hoặc 0-1-6-18.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể tiêm vaccine và huyết thanh kháng viêm gan B trong vòng 12 - 24 giờ sau khi sinh sau đó tiến hành tiêm nhắc bằng vaccine phối hợp có chứa thành phần của viêm gan B vào các mốc thời gian: 2, 3, 4 và 18 tháng tuổi.
Sau khi hoàn thành tiêm mũi thứ 4, trong vòng tối thiểu 1 tháng nên cho trẻ làm xét nghiệm HBsAg và HBsAb để xác định xem có bị nhiễm virus viêm gan B không và cơ thể trẻ đã có đủ kháng thể kháng lại virus chưa.
Vaccine viêm gan B không thể tạo ra đáp ứng miễn dịch suốt đời vì lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, chuyên gia y tế khuyến cáo sau 5 năm nên cho trẻ thực hiện xét nghiệm kháng thể HBsAb. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy lượng kháng thể HBsAb dưới 10mUI/ml thì trẻ cần được tiêm nhắc lại 1 mũi vaccine để đảm bảo tốt nhất hiệu quả phòng bệnh.
2. Cho trẻ lớn và người lớn
- Xét nghiệm trước tiêm
Trước khi tiêm vaccine viêm gan B nên làm xét nghiệm HBsAg và HBsAb để xác định xem cơ thể đã bị viêm gan B hay đã có kháng thể kháng lại virus HBV chưa. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính tức là đã nhiễm virus HBV, vì thế việc tiêm phòng không còn hiệu quả nữa. Trường hợp xét nghiệm cho kết quả âm tính có nghĩa là chưa mắc bệnh và nên tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B.
- Phác đồ tiêm: có thể chọn 1 trong 2 phác đồ sau: 0-1-6 hoặc 0-1-2-12. Theo đó, tiêm phác đồ 0-1-6 tức là mũi tiêm thứ 2 cách mũi đầu là 1 tháng và mũi tiêm thứ 3 cách mũi 2 là 5 tháng; 0-1-2-12 tức là tiêm liên tiếp 3 mũi cách nhau 1 tháng còn mũi 4 cách mũi 3 là 1năm.
Cứ sau 5 năm nên tiến hành xét nghiệm HbsAb và tiêm nhắc 1 mũi nếu xét nghiệm cho kết quả HBsAb dưới 10 mUI/ml.
Người đang bị sốt hay nhiễm trùng cấp nên tạm hoãn kế hoạch tiêm vaccine viêm gan B. Ngoài ra, vaccine này không chống chỉ định đối với các trường hợp nhiễm trùng nhẹ. Tuy khuyến cáo không nên tiêm vaccine cho thai phụ nhưng nếu thai phụ có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B cao thì bác sĩ sẽ cân nhắc để tiêm.
Nguồn tin: Loan Thy (theo YHTT)