Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc TCM, thì đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 2.600 ca bệnh. Số ca mắc bệnh tăng gần 1.900 trường hợp chỉ trong 3 tháng từ tháng 9 đến nay. Trong tuần 46/2023 vừa qua, tỉnh ghi nhận hơn 100 ca bệnh với 9 ổ dịch được xử lý. Tỷ lệ tăng 100% so với cùng kỳ. Diễn biến dịch TCM tiếp tục phức tạp và có nhiều nguy cơ bùng phát cao, nhất là hiện nay đang bước vào thời đểm giao mùa, thời tiết bất thường, trẻ có sức đề kháng yếu, dễ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
Vì thế khuyến cáo phụ huynh và giáo viên các trường cần tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bé, cho bé ăn uống đủ chất, đa dạng, đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin C, rau xanh, uống đủ nước và thực hiện các biện pháp như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ; tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng trước, sau bữa ăn, sau khi đi ra ngoài trở về, không tiếp xúc gần với người đã mắc bệnh, hạn chế đến nơi đông người, các khu vui chơi… thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường, cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung với người khác.
Phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện bệnh như: nổi bóng nước tay chân, miệng, sốt cao khó hạ, ngủ giật mình, biếng ăn, quấy khóc... để tránh các biến chứng nặng do bệnh. Cho trẻ nghỉ học cho đến khi bệnh khỏi hẳn và thông báo với giáo viên để có các giải pháp khử khuẩn lớp học, ngăn bệnh lây nhiễm cho các bé khác.