Thực hiện Công văn số 470/SYT-NVY ngày 21 tháng 02 năm 2023 của Sở Y tế về việc tăng cường phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên năm 2023. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng kế hoạch tuyên truyền như:
Thông tin truyền thông giáo dục kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, các hình thức, phương tiện truyền như phối hợp với các báo, đài phát thanh truyền hình trên địa bàn tỉnh, thông tin cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trên địa bàn; truyền thông tại các cơ sở đánh bắt, sản xuất, chế biến, kinh doanh, các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng nhằm góp phần phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên.
Hướng dẫn việc thực hiện nghiêm chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế tại các bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cung cấp suất ăn sẵn.
Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động vật, thực vật có chứa chất độc tự nhiên như: Nấm độc, cá nóc, so biển, ốc lạ,... đặc biệt đối với người dân sống ven biển.
Giám sát ô nhiễm thực phẩm và cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên.
Trong những năm gần đây tỉnh Bến Tre xảy ra các vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên gây nên như:
Ngày 24 tháng 12 năm 2022 Khu phố 2, Thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre xảy ra ngộ độc thực phẩm nghi do ăn so biển làm 1người tử vong.
So biển là một loài có độc, khi ăn có thể dẫn đến chết người. Loài này sống ở ven biển và nơi các dòng sông lách nước ngọt.
Chúng có hình dạng rất giống sam biển nhưng kích thước nhỏ hơn và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của so biển khoảng 20-25 cm, không kể đuôi. Đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình tròn, không có gai trên gờ đuôi.
Chất độc giết người trong loài so biển là tetrodotoxin, chất độc này tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy. Chất độc này được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20-30 phút và chỉ mấy giờ sau khi ăn các triệu chứng ngộ độc xuất hiện. Độc tố này tác động lên thần kinh trung ương, gây tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn, hô hấp, nạn nhân tử vong nhanh chóng. Liều tử vong đối với người là 1-2 mg độc chất tetrodotoxin.
Ngày 6 tháng 6 năm 2016 hộ ông Nguyễn Văn Nhuận tại ấp 2 xã Phú Long huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre xảy ra vụ ngộ độc do ăn So biển làm 4 người mắc đã phát hiện và điều trị kịp thời nên không có tử vong.
Ngày 21 tháng 8 năm 2016 tàu cá biển của ông Nguyễn Văn Em tại ấp 4 xã Bình Thắng huyện Bình Đại khai thác hải sản có bắt được cá nóc khoảng 1 kg, anh Lâm Văn Quân sinh năm 1983 ấp Văn Bửu, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang tự ý xẻ thịt cá nóc xào ăn cơm. Mặc dù mọi người can ngăn nhưng anh Quân vẫn tiếp tục ăn. Sau khi ăn hết một phần lá gan cá nóc thì khoảng 30 phút sau xuất hiện triệu chứng tê lưỡi, miệng, môi, mặt, tê ngón và bàn tai, ngón chân và bàn chân, đau đầu vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn, tăng tiết nước bọt, người tím tái tử vong.
Khuyến cáo đối với các cơ sở sản xuất và người tiêu dùng:
Cá nóc với hàng trăm loài trên thế giới. Ở Việt Nam có gần 70 loài khác nhau. Cá nóc sống ở nước mặn nhiều hơn ở nước ngọt. Loài cá nóc có tên khoa học Tetrodon Ocelatus có chất độc tetrodotoxin, chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, tinh hoàn và nhiều nhất ở trứng cá. Chất độc tetrodotoxin là chất độc thần kinh, rất độc, gây tử vong cao, chất này không phải là protein, tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại. Cho nên bà con không được chủ quan trong việc tự chế biến và ăn cá nóc, phải loại bỏ những con cá nóc khi kéo lưới đánh bắt cá hoặc không biết đó là cá gì. Một số loại cá khác cũng có thể gây ngộ độc như cá mặt ngựa, cá nhện biển, cá vây nhỏ nên tuyệt đối không ăn cá lạ, nghi ngờ có độc.