Theo PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với người mắc COVID-19, tổn thương phổi là tổn thương nặng nhất. Ngoài ra, có những tổn thương khác như bệnh nhân điều trị hồi sức lâu có thể bị yếu cơ, thở máy, bị loét, tì đè. Trong quá trình điều trị COVID-19, bệnh nhân cũng có thể bị đột quỵ do tình trạng tăng đông.
" Với bệnh nhân nhẹ (chưa có tổn thương phổi), nhiều người phàn nàn việc bị mất ngủ, chán ăn, rối loạn tâm thần, trầm cảm, rối loạn kinh nguyệt,… " - PGS Hải cho hay. Những biến chứng hậu COVID-19 này tồn tại ở mỗi người khác nhau, người ít người nhiều, có người thậm chí kéo dài nhiều tháng.
BS Hoàng Thanh Tuấn, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, thành viên nhóm "Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà" cho hay, vài ngày hoặc 1 vài tuần sau nhiễm COVID-19, một số người có thể xuất hiện "móng tay COVID", thể hiện cơ thể bệnh nhân đã trải qua quá trình chống lại nhiễm khuẩn, phá huỷ mạch máu, nguy cơ đông máu cao.
Có 3 dạng hình thái móng tay COVID-19: Các đường kẻ ngang, lõm ngang móng; Móng tay hình nửa vầng trăng đỏ; Móng tay có đường Mees (ngang hoặc dọc)
Móng tay COVID-19 không tồn tại mãi, sẽ phục hồi dần sau khoảng 6 tháng nên mọi người không lo ngại, cần dưỡng móng nhiều hơn và hạn chế dùng hoá chất, TS Tuấn hướng dẫn.
Âm tính rồi vẫn đau nhức, mệt mỏi nhiều
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, cho biết sau khi khỏi bệnh COVID-19, một số người bị đau nhức cơ thể, đau khớp, đau đầu, tay chân, đau lưng...
Ông giải thích thêm, với người từng đau khớp, đau cơ trước khi mắc COVID-19 khi khỏi bệnh, tình trạng đau nhức có thể nhiều hơn. Người ít vận động khi mắc COVID-19 do bệnh nặng hay do lo lắng cũng có thể đau nhiều hơn.
Theo ông, nếu cơn đau không ảnh hưởng đến sinh hoạt thì cơn đau sẽ dần hết. Nếu cơn đau ảnh hưởng đến vận động, người dân vận động tăng dần sẽ giảm đau, có thể tập thể dục tăng dần các môn đã từng tập, làm việc nhà cũng là cách vận động tăng dần để giảm đau.
Nếu cảm thấy đau người, đau cơ quá, BS Khanh khuyên uống thuốc hay bôi các loại thuốc giảm đau, đặc biệt người dân có thể đi khám bệnh xem có phải đau do hậu COVID không.
Rất nhiều người phàn nàn tình trạng mệt mỏi, cảm giác suy kiệt, bải hoải toàn thân sau mắc COVID-19. Thậm chí có bệnh nhân sau khỏi COVID-19 nhiều tháng nhưng "thở thôi cũng mệt, sức khoẻ đi xuống trầm trọng". Lại có người trở lại công việc sau khi khỏi bệnh nhưng "làm việc 1 ít thôi đã choáng váng con mắt".
Theo BS Khanh, tình trạng này ở người từng nhiễm SARS-CoV-2 cũng như nhiễm các virus khác (như thương hàn hay sởi), có người bị mệt mỏi vài ngày, có khi lại vài tuần, thậm chí hàng tháng.
Có nhiều vấn đề làm tình trạng mệt mỏi nhiều hơn và kéo dài hơn như thiếu ngủ; lo lắng, căng thẳng, stress; càng chán nản lại càng mệt mỏi; thậm chí có người nhiều việc và ham việc, muốn chứng minh mình đã khoẻ nên lao vào công việc... nên càng mệt mỏi.
Theo BS Khanh, F0 sau khi khỏi bệnh, nếu mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi, không nên gắng sức mà cần làm việc chậm rãi, từ tốn. Ngủ đủ giấc, điều độ, thư giãn bằng thiền hay tâp yoga cũng rất hợp lý.
Sau khi mắc COVID-19, cơ thể mệt mỏi do hậu nhiễm trùng cơ thể cần năng lượng tạo kháng thể, người bệnh nặng có khi kéo dài 6 tháng. Do đó, cần tiết kiệm năng lượng, không nên "ham công tiếc việc" không lượng sức. Đặc biệt, dinh dưỡng sau khi khỏi bệnh rất quan trọng, cần thực hiện điều độ, tránh tình trạng tăng cân béo phì. Nếu tình trạng mệt mỏi tăng nặng, kéo dài suốt nhiều tuần thì nên đi khám bệnh.