Ngày Thế giới Phòng chống lao 24/3 năm 2024 với chủ đề “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”. Hoạt động tổ chức chiến dịch truyền thông nhân ngày Thế giới phòng chống lao 24/3 hàng năm là một hoạt động quan trong nhằm tuyên truyền thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chủa Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao Việt Nam và mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2035; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa về bệnh lao và các biện pháp phòng chống lao, góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh lao.
Chủ đề Ngày thế giới phòng chống lao năm 2024 của Việt Nam: “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”
Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến (chiếm 80-85%), nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt bụi nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi. Bệnh lao có thể gây tử vong, nhưng có thể điều trị khỏi và dự phòng.
Các triệu chứng lao: Biểu hiện chung của bệnh lao phổi khởi phát, bao gồm ho trên 2 tuần, có đờm (và đôi lúc có máu), đau ngực, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt và đổ mồ hôi đêm.
Người mắc bệnh lao: Là người bệnh có tình trạng bệnh lý do vi khuẩn lao gây ra, biểu hiện các triệu chứng của bệnh lao, chẩn đoán dựa trên tìm thấy vi khuẩn lao bằng các kỹ thuật vi sinh hoặc có bằng chứng mô bệnh học của tổn thương do lao hoặc chẩn đoán dựa vào bằng chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng khác (không hoặc chưa tìm thấy bằng chứng vi khuẩn và mô bệnh học)
Điều trị bệnh lao: Tuân thủ điều trị đúng nguyên tắc:
- Phối hợp các thuốc chống lao.
- Dùng thuốc đúng liều.
- Dùng thuốc đều đặn.
- Phải dùng thuốc đủ thời gian.
Khi điều trị bệnh lao “ĐÚNG THUỐC – ĐÚNG LIỀU – ĐỦ THỜI GIAN – BỆNH LAO SẼ KHỎI”
Phòng lây nhiễm bệnh lao cho cộng đồng
- Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao.
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh lao cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám phát hiện sớm, tránh lây bệnh cho người khác.
- Người bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả điều trị, tránh nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh; Không khạc nhổ bừa bãi, tuân thủ vệ sinh ho khạc mọi lúc, mọi nơi để không phát tán nguồn lây nhiễm ra môi trường; tránh đến những khu vực đông người. Hạn chế giao tiếp trực tiếp với người khác trong giai đoạn còn lây (có vi khuẩn trong đờm), đặc biệt là với trẻ em, người già và người bị suy giảm miễn dịch như HIV(+), tiểu đường hoặc người đang sử dụng thuốc làm giảm miễn dịch.
Đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà, khi tiếp xúc với người khác. Khi phải nói chuyện với người khác không nên đứng ở vị trí đầu luồng gió. Thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn.
Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024 là "ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO".
Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao. Với chủ đề Việt Nam chiến thắng bệnh lao như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao, Việt Nam cam kết cùng thế giới chấm dứt bệnh lao toàn cầu.