Theo kết quả một nghiên cứu mới đây trên Tạp chí JAMA Network Open, những người bị rối loạn giấc ngủ không có nguy cơ bị nhiễm SARS-CoV-2 và mắc COVID-19 cao hơn những người trưởng thành khác. Tuy nhiên, nếu bị mắc COVID-19, họ sẽ có nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong cao hơn 31%.
Rối loạn giấc ngủ liên quan tới mắc COVID-19 trầm trọng
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích gần 360.000 bệnh nhân được kiểm tra COVID-19 tại hệ thống y tế Cleveland Clinic (Mỹ), bao gồm 5.400 người đã hoàn thành đánh giá về giấc ngủ.
Nhóm nghiên cứu cũng xem xét đến các yếu tố khác có thể liên quan tới nguy cơ bệnh COVID-19 như béo phì, bệnh tim và phổi, ung thư và hút thuốc.
PGS Cinthya Pena Orbea, chuyên gia của Trung tâm Rối loạn giấc ngủ thuộc Trường ĐH Y Cleveland Clinic Lerner (Mỹ), cho biết: "Kết quả này phù hợp với giả thuyết chúng tôi đưa ra và sau khi loại trừ các yếu tố liên quan như bệnh phổi và tiền sử hút thuốc, chúng tôi vẫn xác định được mối liên quan có ý nghĩa thống kê".
TS Reena Mehra, Trưởng nhóm nghiên cứu, giám đốc nghiên cứu rối loạn giấc ngủ thuộc hệ thống y tế Cleveland Clinic, cho rằng: "Nghiên cứu này rất quan trọng vì nó giúp xác định một nhóm khác có nguy cơ tiềm ẩn mắc COVID-19 trầm trọng và gợi ý việc tập trung tăng cường nguồn lực vào những nơi cần thiết".
BS Indira Gurubhagavatula, chuyên gia thuộc Học viện y học giấc ngủ Hoa Kỳ, cho biết: "Nghiên cứu có thể giúp các bác sĩ điều chỉnh ưu tiên trong điều trị, cụ thể như nếu một bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ và mắc COVID19 thì nên được ưu tiên sử dụng các biện pháp điều trị COVID-19".
Các nhà khoa học cho rằng: "Khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường và tình trạng bệnh khác biệt nhiều giữa các bệnh nhân, do vậy điều quan trọng là chúng ta cần cải thiện khả năng tiên lượng xem bệnh nhân nào sẽ bị bệnh nặng hơn".
Cơ chế vẫn chưa rõ ràng và cần nghiên cứu thêm
Theo TS Mehra, hiện vẫn chưa rõ vì sao những người bị rối loạn giấc ngủ lại có nguy cơ mắc COVID-19 trầm trọng hơn, nhưng rất có thể phản ứng viêm đóng một vai trò nào đó.
Các nhà khoa hoa học cho biết: "Những người bị mắc COVID-19 trầm trọng dường như bị tác động của "cơn bão cytokine", là tình trạng phản ứng quá mức của hệ miễn dịch dẫn đến tổn thương các cơ quan của cơ thể, bao gồm cả mô phổi. Và chứng ngừng thở khi ngủ có thể gây tăng phản ứng viêm".
Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây dường như cho rằng phản ứng viêm có thể là chìa khóa. Một số nhà nghiên cứu khác đã nghĩ tới mối liên quan giữa nồng độ oxy trong máu thấp với các dấu hiệu tình trạng viêm, bao gồm cả số lượng bạch cầu cao, ở những người mắc COVID-19. Điều này cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phổi.
Theo các nhà khoa học, nghiên cứu đã đưa ra những manh mối quan trọng ban đầu về việc quản lý, chăm sóc số lượng lớn bệnh nhân bị chứng ngừng thở khi ngủ có nguy cơ mắc COVID-19, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để giải đáp các câu hỏi như: có nên khuyến khích bệnh nhân đang điều trị thở máy áp lực dương liên tục (CPAP) cần phải sử dụng đầy đủ phương tiện máy móc nhằm hạn chế nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng do COVID-19 không? Có nên ưu tiên cho những bệnh nhân bị chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn mắc COVID-19 nhận các liệu pháp điều trị bệnh hay không?