Duy trì mức đường máu, huyết áp và cholesterol bình thường hoặc gần bình thường để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa với ba loại bệnh, bao gồm ĐTĐ típ 1, ĐTĐ típ 2 và ĐTĐ thai kỳ. Bệnh có đặc điểm là tăng glucose huyết (đường máu), rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protid, lipid (tinh bột, đạm, chất béo), gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh.
Mục tiêu của điều trị bệnh ĐTĐ là duy trì mức đường máu lúc đói trong khoảng 4,4-6,1 mmol/L (tối đa là 6,2-7,0 mmol/L); huyết áp tâm thu ≤130/80 mmHg (tối đa ≤140/90 mmHg), với những trường hợp có biến chứng thận ở mức có micro albumin niệu cần duy trì huyết áp ≤ 125/75 mmHg; cholesterol toàn phần <4,5 mmol/L (tối đa 4,5-≤5,2 mmol/L), triglyceride <1,5 mmol/L (tối đa 1,5-≤5,2 mmol/L).
Các biến chứng của ĐTĐ bao gồm tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh thận, bệnh võng mạc, bệnh thần kinh.
1. Tăng huyết áp
Khoảng 50- 70% bệnh nhân ĐTĐ thường có tăng huyết áp, tùy thuộc loại ĐTĐ, tuổi, mức độ béo phì… Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạch vành, đột qụy và biến chứng mạch máu nhỏ. Người bệnh ĐTĐ phải theo dõi huyết áp thường xuyên để có biện pháp điều trị kịp thời.
Bệnh nhân có huyết áp tâm thu từ 130–139 mmHg và/hoặc tâm trương 80–89 mmHg cần điều trị bằng cách thay đổi lối sống trong thời gian tối đa là 3 tháng. Sau đó nếu vẫn chưa đạt được mục tiêu huyết áp, cần điều trị bằng thuốc hạ huyết áp. Thay đổi lối sống bao gồm giảm cân nếu có thừa cân. Dùng chế độ ăn dành cho người tăng huyết áp, bao gồm giảm muối và tăng lượng kali ăn vào; hạn chế uống rượu và tăng hoạt động thể lực. Loại hình luyện tập thông dụng và dễ áp dụng nhất là đi bộ 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập kháng lực (kéo dây, nâng tạ) với tần suất 2- 3 lần. Người già, người bị đau khớp có thể chia thời gian tập nhiều lần trong ngày, như đi bộ sau 3 bữa ăn, mỗi lần 10-15 phút. Người còn trẻ nên tập khoảng 60 phút mỗi ngày, tập kháng lực ít nhất 3 lần mỗi tuần. Bệnh nhân có huyết áp tâm thu ≥140 và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90 mmHg cần điều trị bằng với thuốc hạ huyết áp kết hợp với thay đổi lối sống. Thuốc hạ huyết áp được sử dụng theo chỉ dẫn của Bác sĩ.
2. Rối loạn lipid máu
Lipid máu còn được gọi là các thành phần của mỡ máu, bao gồm cholesterol và triglyceride. Có hai loại cholesterol cần quan tâm là LDL-C (còn gọi là cholesterol xấu) và HDL-C (còn gọi là cholesterol tốt). Mức LDL-C trong máu càng cao, nguy cơ bị bệnh tim mạch càng cao, ngược lại mức HDL-C trong máu càng thấp, nguy cơ bị bệnh tim mạch càng cao. Ngoài ra, người bệnh ĐTĐ cần quan tâm đến chỉ số triglyceride. Đây là một dạng chất béo trung tính, chiếm tới 95% tỷ lệ chất béo hằng ngày mà chúng ta tiêu thụ trong chế độ ăn uống, là một trong những thành phần chủ yếu của dầu thực vật và mỡ động vật. Các yếu tố làm tăng triglyceride là thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít hoạt động thể lực, ăn quá nhiều tinh bột. Thừa cân làm tăng cả LDL-C, triglyceride và giảm HDL-C.
Người bệnh ĐTĐ cần kiểm tra lipid máu ít mỗi lần thăm khám để có chế độ điều chỉnh khi có rối loạn. Các yếu tố có thể thay đổi để kiểm soát rối loạn lipid máu bao gồm: điều chỉnh chế độ ăn, thay đổi lối sống.
Điều chỉnh chế độ ăn: nhằm giảm LDL-C. Có ba nhóm thức ăn làm cần phải giảm để đạt được mục tiêu giảm cholesterol xấu (LDL-C). Thứ nhất đó là giảm thức ăn có chứa acid béo bão hòa, gồm các loại mỡ từ động vật; thứ hai đó là giảm chất béo dạng Trans (Trans fat), đây là acid béo nằm trong các trong sản phẩm có chứa mỡ hoặc dầu bị Hydrogen hóa như khoai tây chiên, bánh quy, bơ thực vật, người bệnh ĐTĐ không nên ăn các sản phẩm chiên, rán trong dầu ở nhiệt độ cao; thứ ba đó là thức ăn chứa cholesterol có trong các sản phẩm từ động vật như phủ tạng, lòng đỏ trứng, tôm, sữa toàn phần…
Thay đổi lối sống: bao gồm việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực, hạn chế căng thẳng.
Để có chế độ ăn uống lành mạnh, người bệnh ĐTĐ cần giảm lượng thức ăn hằng ngày để có cân nặng và vòng eo lý tưởng; đồng thời sử dụng các nhóm thực phẩm đa dạng, ít chất béo, ít muối, nhiều chất xơ (ví dụ như đậu, rau củ, trái cây), hạn chế thực phẩm chế biến sẵn; tránh các loại thức uống pha chế có đường; bên cạnh đó cần hạn chế tối đa rượu bia và cuối cùng là cần cai thuốc lá, thuốc lào. Người bệnh ĐTĐ cần duy trì vòng eo ở mức dưới 90cm đối với nam, dưới 80cm đối với nữ và chỉ số BMI từ 18,5 đến 22,9. Nếu đường huyết được kiểm soát tốt và không có tăng huyết áp, người bệnh ĐTĐ có thể dùng rượu bia với lượng nhỏ, một ly/ngày nếu là phụ nữ và hai ly một ngày nếu là nam giới và không bao giờ uống rượu bia khi đang đói bụng.
Ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng là điều mà người bệnh ĐTĐ nên thực hiện. Stress làm gia tăng sự giải phóng hormon tuyến thượng thận (ACTH), thúc đẩy giải phóng hormon cortisol ảnh hưởng gián tiếp đến nồng độ đường trong máu. Thiếu ngủ làm tăng lượng đường huyết và sản sinh hormon cortisol. Vì thế để tránh điều này cần duy trì giấc ngủ đều đặn liên tục 7-8 giờ/ngày.
3. Các biến chứng mạch máu nhỏ (bệnh thận, bệnh võng mạc, bệnh thần kinh)
Để phòng tránh bệnh thận do ĐTĐ, ít nhất mỗi năm một lần cần đánh giá albumin niệu và mức lọc cầu thận ở tất cả các bệnh nhân ĐTĐ típ 2 và ở tất cả các bệnh nhân có tăng huyết áp phối hợp. Bệnh nhân ĐTĐ típ 2 cần được khám mắt toàn diện, đo thị lực tại thời điểm được chẩn đoán bệnh ĐTĐ. Nếu không có bằng chứng về bệnh võng mạc và đường huyết được kiểm soát tốt, có thể khám mắt 2 năm một lần. Nếu có bệnh võng mạc do ĐTĐ, cần khám võng mạc ít nhất hàng năm. Nếu bệnh võng mạc đang tiến triển hoặc đe dọa đến thị lực, phải khám mắt thường xuyên hơn. Cuối cùng, tất cả các bệnh nhân ĐTĐ cần được kiểm tra bàn chân vào mỗi lần khám bệnh, để đánh giá về bệnh thần kinh ngoại biên, phát hiện các yếu tố nguy cơ của loét và cắt cụt chi.