STRESS VÀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: MỐI QUAN HỆ CẦN CHÚ Ý

Thứ tư - 16/11/2022 06:10
Căng thẳng (stress) không gây ra bệnh đái tháo đường nhưng stress có thể ảnh hưởng lên nồng độ đường huyết trong cơ thể, làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh lý của đái tháo đường. Một số bằng chứng cho thấy có một mối liên hệ mật thiết giữa stress và đái tháo đường týp 2.
STRESS VÀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: MỐI QUAN HỆ CẦN CHÚ Ý
Stress là gì?

Stress là trạng thái thần kinh bị căng thẳng do nhiều nguyên nhân gây ra như áp lực công việc, học tập, thi cử,... Khi gặp tác nhân gây stress sẽ làm cho cơ thể tiết ra hormone giúp cung cấp năng lượng mạnh mẽ cho các cơ, nhịp thở nhanh hơn, nhịp tim tăng lên.

Stress có thể giúp tập trung và làm việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu triệu chứng stress quá độ, diễn ra liên tục sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý (suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm), thể chất (chán nản, mệt mỏi, tiêu hóa kém, suy giảm miễn dịch) và thậm chí có thể gây hại cho chính bản thân mình.

Stress và đái tháo đường có mối liên hệ như thế nào?

Stress và đái tháo đường (ĐTĐ) có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi cơ thể rơi vào trạng thái stress thì sẽ làm thay đổi nội tiết tố hay nói cách khác stress làm tăng đường huyết ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán ĐTĐ và chính stress góp phần tạo điều kiện cho bệnh đái tháo đường phát triển. Đồng thời, theo chiều ngược lại, nếu bệnh nhân đã và đang mắc phải bệnh ĐTĐ thì việc kiểm soát đường huyết không tốt cũng góp phần khiến cho tình trạng stress ở bệnh nhân ngày càng nặng nề hơn.

Làm tăng đường huyết

Stress không trực tiếp gây ra bệnh ĐTĐ nhưng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Khi gặp căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone stress như cortisol và adrenaline (các hormone căng thẳng). Những hormone này giúp tạo năng lượng cho cơ thể phản ứng lại với tình trạng stress. Tuy nhiên chúng cũng có tác dụng đối kháng insulin (hormone giúp làm giảm lượng đường trong máu), làm giảm tác dụng của insulin dẫn đến lượng đường tăng lên trong máu.

Đồng thời, bệnh ĐTĐ cũng là nguyên nhân gây ra căng thẳng. Bệnh nhân sẽ có cảm giác lo lắng sợ tăng đường huyết khi ăn, nhiều kiến thức mới phải tìm hiểu và ghi nhớ, những điều đó có thể gây ra stress lo lắng cho người bệnh. Nếu người bệnh bị stress kéo dài thì lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Người bệnh sẽ đối diện nguy cơ mắc các biến chứng tiểu đường cao hơn.

Ăn quá nhiều khi căng thẳng

Khi stress, cơ thể sản sinh nhiều hormone cortisol. Hormone này có chức năng chuyển hóa chất béo và carbohydrate nên người stress có xu hướng ăn nhiều hơn mọi ngày để “giải tỏa” căng thẳng, dẫn đến tăng cân. Người thừa cân, béo phì có nguy cơ ĐTĐ týp 2 cao hơn khoảng 6 lần so với người bình thường và khi mắc bệnh ĐTĐ cũng sẽ khó kiểm soát đường huyết hơn.

Khiến bệnh nhân dễ trầm cảm hơn

Mối liên hệ giữa bệnh ĐTĐ và trầm cảm có thể có chung một nguyên nhân là do “Stress”. Stress nặng kéo dài không chỉ giảm hiệu suất lao động, mất tập trung học tập mà còn tăng nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm. Stress còn xuất hiện ở 40% bệnh nhân đái tháo đường týp 1 hoặc týp 2. 

Người bệnh trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ĐTĐ týp 2 đến 60%. Ngược lại, người bệnh ĐTĐ bị căng thẳng, dẫn đến trầm cảm. Tỷ lệ trầm cảm cao hơn tới 3 lần ở bệnh nhân ĐTĐ týp 1 và 2 lần ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 so với dân số chung. Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh ĐTĐ có tỷ lệ trầm cảm cao hơn từ 2 – 3 lần so với thanh niên không mắc bệnh. Sự hiện diện của trầm cảm và lo âu ở bệnh nhân ĐTĐ làm xấu đi tiên lượng của bệnh ĐTĐ, dẫn đến tình trạng không tuân thủ khi điều trị tăng nhiều hơn, giảm chất lượng cuộc sống và tử vong cũng cao hơn. Người mắc bệnh ĐTĐ sử dụng nhiều nhóm thuốc chống trầm cảm sẽ làm tăng đáng kể đường huyết.

Các triệu chứng căng thẳng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường

Những dấu hiệu và triệu chứng căng thẳng thường gặp ở bệnh nhân ĐTĐ như: nhức đầu, đau cơ, căng cơ, ngủ quá nhiều hoặc mất ngủ, luôn mệt mỏi, thiếu sức sống, cáu kỉnh, suy sụp, buồn phiền, lo lắng, bồn chồn,… 

Khi rơi vào căng thẳng, người bệnh đái tháo đường luôn né tránh tiếp xúc với người khác. Người bệnh có xu hướng ăn nhiều hơn ngày thường hoặc chán nản không thèm ăn làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Những việc cần phải làm

Thuốc: Người bệnh đái tháo đường phải tuân thủ điều trị: uống thuốc phải đúng giờ mỗi ngày, tuân thủ tái khám để kiểm soát đường huyết hiệu quả. Người bệnh không tự tự ý ngưng thuốc hay chỉnh liều lượng thuốc. Bên cạnh thuốc, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày theo bác sĩ dinh dưỡng tiết chế, luyện tập thể dục.

Ăn uống: Người bệnh nên chọn nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) ở mức thấp và trung bình để góp phần ổn định đường huyết. Trong bữa ăn chính, người bệnh đái tháo đường cần ăn khoảng 300g – 400g rau và 200g trái cây mỗi ngày. Lưu ý, người bệnh phải chọn loại rau có nhiều chất xơ và trái cây ít ngọt.

Lối sống sinh hoạt: Việc duy trì tập thể dục giúp giảm cân, huyết áp, lượng đường và mỡ máu, cải thiện sức khỏe tim mạch và hô hấp. Người bệnh đái tháo đường cần chọn môn thể dục phù hợp, mỗi ngày tập 30 phút và mỗi tuần tập ít nhất 5 lần. Tập thể dục còn giúp xương chắc khỏe, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ… Và khi ngủ đủ giấc sẽ giúp người bệnh giải tỏa bớt căng thẳng.

Stress và tiểu đường là 2 vấn đề song hành cùng nhau có mối liên quan chặt chẽ với nhau, stress làm tăng đường huyết hay khó kiểm soát đường huyết và ngược lại đường huyết tăng cao lại làm cho cơ thể dễ bị stress. Để hạn chế tình trạng này do sress gây ra thì người bệnh cần có một lối sống lành mạnh, lạc quan và tích cực, đồng thời tuân thủ điều trị để hiệu quả đạt được tốt nhất.

Nguồn tin: BS Loan Thy - Khoa PCBKLN:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập134
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm132
  • Hôm nay37,824
  • Tháng hiện tại369,553
  • Tổng lượt truy cập44,587,094
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây