Thủ tướng: Phát động chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; tiếp tục tập trung phòng, chống dịch

Thứ năm - 20/01/2022 23:33
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022 sáng ngày 20/1, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong những thành tựu chung của cả nước có đóng góp của ngành Y tế. Thủ tướng cũng phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân từ ngày 1/2- 28/2/2022...
Thủ tướng: Phát động chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; tiếp tục tập trung phòng, chống dịch
Trong những thành tựu chung của cả nước có đóng góp của ngành Y tế

Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022 sáng ngày 20/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2021 vừa đi qua với bao khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, song đất nước ta vẫn giành được nhiều thành tựu quan trọng: giữ ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại có bước tiến quan trọng, tiếp tục hội nhập sâu rộng; giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; các cân đối lớn được đảm bảo... như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định "sau một năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhìn lại chúng ta đã đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực".

Trong thời khắc khó khăn nhất, lãnh đạo, ngành y tế đã giữ được bản lĩnh, bình tĩnh để cùng các cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chúng ta không tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà tăng cường các biện pháp giãn cách và áp dụng các biện pháp đặc biệt để phòng chống dịch. Đây là một quyết định rất khó khăn nhưng phù hợp tình hình và đã khẳng định hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, trong khi chưa có vaccine, thuốc đặc trị, chúng ta đã áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt và nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả. Ngành Y tế đã đưa dịch vụ y tế đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả, nhất là việc thành lập hơn 700 trạm y tế xã lưu động. Kịp thời điều động hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Ngành Y tế đóng góp vào xây dựng chiến lược vaccine, thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine,... và phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay. 

Từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giớiĐến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt.


Thực hiện Kết luận của Trung ương, với sự tham mưu đắc lực của các Bộ, cơ quan, nhất là Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP. Việc chuyển hướng sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Các chủ trương, chính sách, biện pháp triển khai phòng, chống dịch được Trung ương đánh giá là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng...

Tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra trong thời gian vừa qua đồng thời yêu cầu tiếp tục tập trung phòng chống dịch COVID-19, không để khủng hoảng y tế, đổ vỡ, quá tải hệ thống y tế….

Trước hết, phải tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Phải luôn bình tĩnh, chắc chắn, giữ vững bản lĩnh để quyết định các vấn đề quan trọng ở những thời khắc rất cam go, khó khăn.

Chúng ta có cách tiếp cận đúng đắn là tiếp cận toàn dân, tiếp cận từ cơ sở, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu và động lực trong phòng chống dịch; tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần.

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế. Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đưa ra và chịu trách nhiệm về các quyết định.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, năm 2022 dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác làm cho dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường hơn.

Trước tình hình đó và trên tinh thần kiên trì, kiên quyết đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ gợi mở thêm một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà ngành Y tế cần tập trung thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ để thể chế hóa, cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ nhân dân.

Tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện chế độ "trực chiến", sẵn sàng cho mọi tình huống và thực hiện hiệu quả Kết luận 25 của Bộ Chính trị; triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá.

Tiếp tục triển khai "thần tốc, thần tốc hơn nữa" thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine nhanh chóng, an toàn, khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường; có phương án an toàn, hiệu quả mở cửa trường học trở lại; hoàn thành các mục tiêu được giao.

Tăng cường tự chủ trước hết là về thuốc, vaccine, các loại vật tư thiết yếu; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế và sinh phẩm trong nước; nhanh chóng xem xét, công nhận vaccine, thuốc sản xuất trong nước đảm bảo nguyên tắc khoa học, an toàn, hiệu quả. Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án sẵn sàng tổ chức các trạm y tế lưu động tại các địa bàn diễn biến phức tạp.

Tổ chức tốt việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe và điều trị F0; bảo đảm tất cả mọi người mắc COVID-19 đều được quản lý, theo dõi, hỗ trợ, chăm sóc y tế phù hợp. Dự báo về các biến chủng mới của SARS-CoV-2 và sự xâm nhập vào Việt Nam.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở; quan tâm xử lý các vấn đề tâm lý – xã hội, các di chứng sau đại dịch

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ, ngành Y tế cần chú trọng việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; khắc phục ngay các bất cập, hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động phòng, chống dịch như cấp phép lưu hành thuốc, vaccine, xây dựng các cơ sở y tế lưu động, bệnh viện dã chiến… và đặc biệt là cơ chế mua sắm.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của y tế cấp xã, trước mắt nhằm bảo đảm năng lực ứng phó dịch COVID-19. Chú trọng chất lượng nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế các tuyến. Về lâu dài, cần quan tâm xử lý các vấn đề tâm lý – xã hội, các di chứng sau đại dịch, xây dựng và phát triển môn khoa học nghiên cứu về COVID-19…

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài chính, cung ứng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành Y tế nói chung và Bộ Y tế nói riêng cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thúc đẩy thực hiện dinh dưỡng hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, chống già hóa dân số, phát triển nhanh ngành dược, y dược cổ truyền, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...; đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin truyền thông, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, ủng hộ các chủ trương, chính sách, điều hành của Chính phủ, của ngành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành Y tế tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thật sự thân ái, đoàn kết, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) và Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương. Phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, không khoan nhượng đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trước hết, trên hết. Đổi mới và làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, người lao động thật sự bản lĩnh, vững về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác. Tăng cường giáo dục cán bộ y tế về tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Chăm lo tốt hơn nữa đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Nguồn tin: Thiện Nhân (Theo BYT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập104
  • Hôm nay17,534
  • Tháng hiện tại250,048
  • Tổng lượt truy cập41,542,857
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây