Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77%, Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh dự phòng, quản lý điều trị

Chủ nhật - 16/06/2024 21:10
Ước tính mỗi năm tại Việt Nam số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới khoảng trên 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...
Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77%, Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh dự phòng, quản lý điều trị

Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới khoảng trên 77% tổng số tử vong ở nước ta

Bộ Y tế vừa phê duyệt Đề án dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2024 - 2025.

Đề án nhằm tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản (gọi tắt là bệnh không lây nhiễm) và rối loạn sức khỏe tâm thần nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sau đại dịch COVID-19, chúng ta sẽ đối mặt với đại dịch các bệnh không lây nhiễm. Do đó, bên cạnh việc phòng các bệnh truyền nhiễm mới nổi như COVID-19..., các nước cần tập trung phòng, điều trị bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tâm thần. Ngoài ra, còn thêm mặt bệnh đó là chấn thương do tai nạn thương tích.

Báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú là mắc các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều rất đông bệnh nhân. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn.

Thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoảng 6-7% dân số mắc đái tháo đường. Theo Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, "sát thủ thầm lặng" là bệnh tăng huyết áp chiếm 25% số người trên 25 tuổi. Tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị.

Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu bia rất nhiều nên làm gia tăng tai nạn thương tích, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh từ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch...

Ước tính mỗi năm tại Việt Nam số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới khoảng trên 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

Sàng lọc thường xuyên bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần

Trước thực trạng này, trong Đề án dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2024 - 2025, Bộ Y tế đưa ra các mục tiêu tăng tỷ lệ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần;

Đồng thời phát triển, nâng cao năng lực hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ.

Theo Bộ Y tế để đạt được các mục tiêu trên cần tổ chức cung cấp các dịch vụ khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe, đo các chỉ số và thực hiện các nghiệm pháp phù hợp để phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, bao gồm:

  • Phát hiện sớm tăng huyết áp, bệnh tim mạch.
  • Phát hiện sớm đái tháo đường.
  • Phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
  • Phát hiện sớm ung thư, tập trung sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và một số bệnh ung thư phổ biến khác.
  • Phát hiện sớm tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và một số rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến khác.

Thực hiện sàng lọc thường xuyên bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần khi người dân đến sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế, đặc biệt tại Trạm Y tế xã; Sàng lọc thông qua hoạt động kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người dân; khuyến khích người dân, đặc biệt người nguy cơ cao chủ động đến các cơ sở y tế để định kỳ kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm, sàng lọc bệnh.

Sàng lọc lồng ghép trong chăm sóc, quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, trong khám bệnh nghề nghiệp tại các cơ quan, tổ chức, trong khám quản lý sức khỏe cho người cao tuổi, trong hoạt động thăm hộ gia đình hoặc sàng lọc cho phụ nữ có thai lồng ghép với khám thai...

Đối tượng là người dân mọi độ tuổi, ưu tiên người từ 40 tuổi trở lên và người có nguy cơ cao mắc bệnh (xác định tùy theo từng bệnh).

Nâng cao cung cấp dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần

Về theo dõi, tư vấn, dự phòng cho người nguy cơ cao và tiền bệnh, Bộ Y tế nêu rõ cần tổ chức theo dõi, kiểm tra định kỳ, tư vấn, dự phòng cho người tiền bệnh và người có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm và một số rối loạn sức khỏe tâm thần.

Theo dõi, tư vấn, dự phòng cho người thừa cân, béo phì; Quản lý dự phòng cho người có nguy cơ tim mạch; Tư vấn, can thiệp cai nghiện thuốc lá; Sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia; Lập phiếu theo dõi, tư vấn tâm lý cho người có nguy cơ cao mắc rối loạn tâm thần.

Tổ chức các hoạt động trên thông qua lồng ghép hoạt động trong quản lý, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ quan, tổ chức; quản lý sức khỏe người cao tuổi; quản lý, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng, tại Trạm Y tế xã và các cơ sở y tế liên quan...

Bộ Y tế đề ra mục tiêu phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Đối với tuyến trung ương: củng cố, nâng cao năng lực phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho các cơ sở y tế dự phòng và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh liên quan để bảo đảm thực hiện phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần theo chức năng, nhiệm vụ.

Đối với tuyến tỉnh: rà soát, phân công nhiệm vụ, nâng cao năng lực cho các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn liên quan tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn theo quy định.

Đối với tuyến huyện: phân công nhiệm vụ cho các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn.

Đối với trạm Y tế xã phân công cán bộ thực hiện hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm; triển khai nhiệm vụ thường quy phòng, chống bệnh không lây nhiễm của nhân viên y tế thôn, bản; bảo đảm cung cấp các dịch vụ truyền thông, tư vấn, dự phòng, sàng lọc phát hiện, quản lý điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định;

Đồng thời phân công cán bộ để tổ chức quản lý người bệnh tâm thần; chỉ đạo nhân viên y tế và cộng tác viên y tế thôn, bản tham gia thực hiện tư vấn tâm lý, phục hồi chức năng, tái hòa nhập xã hội, đôn đốc uống thuốc ngoại trú của người bệnh tâm thần tại cộng đồng.

Nguồn tin: Khoa TT GDSK:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG TIN VỀ DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA GÂY RA (nCoV)
CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
Thống kê
  • Đang truy cập172
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm168
  • Hôm nay53,575
  • Tháng hiện tại380,530
  • Tổng lượt truy cập36,286,279
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây