Với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV năm nay diễn ra từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2019 nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Tính đến đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 2.939 người, trong đó 1.030 người đã tử vong và 1.622 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Qua khảo sát, có trên 80% số ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2019 do lây truyền qua đường tình dục, cao gấp 05 lần so với lây truyền qua đường máu. Độ tuổi phát hiện HIV chủ yếu tập trung ở độ tuổi 15-49 chiếm trên 85%. Hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều ghi nhận có người nhiễm HIV. Tuy nhiên, theo đánh giá công tác phòng, chống HIV/AIDS đang gặp nhiều khó khăn, thách thức: Dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vì vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện, đáng lo ngại hơn khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại; lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh… sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm các nguồn lực viện trợ quốc tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Năm 2019 là năm thứ sáu liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu 90-90-90. Mặc dù trong 10 năm liền dịch HIV/AIDS được kiểm soát ở cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV hằng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người chết do HIV/AIDS. Việt Nam tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà LHQ đề ra. Trước tình hình đó, việc cần thiết phải nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và Bến Tre đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó, chú trọng hoạt động truyền thông trực tiếp hướng đến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao (người nghiện chích ma túy, người bán dâm và người có quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ)... Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; tổ chức nói chuyện chuyên đề, hội thảo; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm, giới thiệu các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế cũng được quan tâm thực hiện. Thời gian tới, để tiếp tục triển khai tốt các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, toàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện giải pháp bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, đưa bệnh nhân nhiễm HIV vào điều trị ARV, đảm bảo hướng tới mục tiêu đưa 90% số người nhiễm HIV vào điều trị ARV. Vì vậy, để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế sự phát triển và lây lan của HIV/AIDS trong cộng đồng. Ngoài sự nỗ lực của ngành y tế rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là những người nằm trong nhóm nguy cơ lây nhiễm cao về cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS; thay đổi nhận thức của cộng đồng để hạn chế kỳ thị, phân biệt đối xử với những người có HIV/AIDS; thực hiện tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ và giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS... Đã đến lúc chúng ta cam kết hành động để tiếp tục hỗ trợ ngày một thiết thực và hiệu quả hơn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam.