Bệnh Sởi và những lưu ý phòng bệnh cho trẻ

Thứ ba - 18/06/2024 22:08
Bệnh Sởi gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Bệnh Sởi gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Bệnh sởi là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, có lịch sử lâu đời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trước khi có vắc xin phòng sởi, căn bệnh này đã gây nên những đợt bùng phát dịch bệnh lớn, xảy ra khoảng hai đến ba năm một lần và gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.

Năm 1963, vắc xin được tìm ra và trở thành cứu cánh trong phòng tránh căn bệnh này. Nhờ vắc xin, người tiêm chủng và những người xung quanh họ được bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm sởi. Số ca mắc, tử vong do bệnh giảm đáng kể. Qua hơn 60 năm qua, vắc xin sởi đã được chứng minh là hiệu quả và an toàn, được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và là một công cụ quan trọng trong chiến dịch kiểm soát bệnh sởi.

Tuy nhiên, đến nay bệnh sởi vẫn chưa được loại trừ triệt để bởi việc tiêm chủng không đồng đều và sự thiếu thông tin về lợi ích của vắc xin. Nhiều người vẫn chưa thực hiện tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ khiến cho căn bệnh này tiếp tục tồn tại và lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, nguồn cung vắc xin sởi đã gặp khó khăn, gây ra sự gián đoạn trong việc tiêm chủng và làm suy giảm miễn dịch cộng đồng dẫn đến những thất bại trong nỗ lực giám sát và tiêm chủng, WHO cho biết: "Năm 2021, ước tính có khoảng 128.000 ca tử vong do bệnh sởi trên toàn cầu, chủ yếu là ở trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ".

Ban đầu bệnh có triệu chứng có thể giống như một cơn cúm nhẹ, nhưng sau đó, nó phát triển thành các triệu chứng nặng hơn..

Theo Natasha Crowcroft, cố vấn kỹ thuật cấp cao về bệnh sởi và rubella của WHO: Điều chúng tôi lo lắng là năm nay (2024), chúng ta có những khoảng trống lớn trong các chương trình tiêm chủng và nếu chúng ta không nhanh chóng lấp đầy chúng bằng vaccine, bệnh sởi sẽ nhảy vào khoảng trống đó và sẽ có hơn một nửa số quốc gia trên thế giới có nguy cơ bùng phát bệnh sởi cao hoặc rất cao vào cuối năm nay, trừ khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp.

Và thực tế đã chứng minh cho lo ngại này của WHO, khi số ca bệnh sởi đang gia tăng nhanh tại hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Số ca mắc sởi bước đầu đã ghi nhận tăng trong 6 tháng đầu năm 2024. Bệnh đã lan rộng từ các tỉnh thành trung ương đến các vùng sâu vùng xa. Tại Hội nghị tăng cường phòng, chống dịch khu vực phía Nam năm 2024 diễn ra tại Viện Pasteur TPCHM chiều 11/6, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính từ đầu năm tới nay, toàn phía Nam ghi nhận gần 400 trường hợp nghi ngờ sởi. Riêng tại Bến Tre, BS Trần Hưng Nam – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre cho biết đã ghi nhận gần 20 trường hợp mắc bệnh. Đáng chú ý là các ca bệnh được ghi nhận chủ yếu là trong cộng đồng. Đây là một tình trạng đáng lo ngại gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, hoặc các biến chứng khác có thể dẫn đến tử vong. Bệnh lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp và qua không khí, có thể lây nhiễm bệnh cho khoảng 90% người không miễn dịch tiếp xúc với họ. Vì thế, để phòng bệnh, vắc xin được xem là giải pháp hiệu quả nhất. Phụ huynh có con trong độ tuổi dưới 5 nên kiểm tra lại tình trạng tiêm chủng vắc xin phòng sởi của trẻ, nếu chưa tiêm, hoặc tiêm chưa đủ cần đến ngay cơ Cở y tế để được bác sỹ hỗ trợ tiêm phòng.

Vắc xin sởi không chỉ là một công cụ y tế hiệu quả mà còn là một chiến lược quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe toàn cầu và bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh nguy hiểm như sởi. Việc thúc đẩy tiêm chủng rộng rãi và đầy đủ là một trong những bước quan trọng nhất để đạt được mục tiêu loại bỏ sởi trên thế giới.


Ngoài ra, BS Trần Hưng Nam – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng lưu ý phụ huynh nên thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, cảnh giác với các triệu chứng ban đầu để có thể phát hiện sớm bệnh. Một số triệu chứng chính của bệnh bao gồm: sốt cao, viêm mũi, ho, mắt đỏ, phát ban đỏ trên cơ thể. Ban đầu, triệu chứng có thể giống như một cơn cúm nhẹ, nhưng sau đó, nó phát triển thành các triệu chứng nặng hơn, bao gồm: Mù lòa, Viêm não (nhiễm trùng gây sưng não và tổn thương não); Tiêu chảy nặng và mất nước liên quan; Nhiễm trùng tai; Các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng bao gồm viêm phổi; Ở phụ nữ mang thai, virus có thể gây nguy hiểm cho người mẹ và khiến con sinh ra sớm bị dị tật bẩm sinh. Cân nặng khi sinh thấp… 

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, sởi có thể gây ra tử vong. Bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ em dưới 5 tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu. Khi nhận thấy trẻ có các biểu hiện kể trên, phụ huynh nên cho trẻ thăm khám tại cơ sở y tế, đánh giá đúng bệnh để có các phương án theo dõi, điều trị, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ.


Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Chăm sóc, quan tâm sức khỏe của trẻ. Trong đó lưu ý chế độ ăn phải đủ 4 nhóm chất gồm: chất bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Các nhóm chất này có trong 8 nhóm thực phẩm chính sau:

- Nhóm lương thực: Gạo, ngô, khoai, sắn là thức ăn cơ bản và cũng là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể.

- Nhóm hạt các loại: Đậu, đỗ, vừng, lạc

- Nhóm sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…)

- Nhóm thịt các loại, cá và hải sản: Cung cấp chất đạm động vật, đặc biệt các axit amin thiết yếu mà cơ thể người không tự tổng hợp được.

- Nhóm trứng và các sản phẩm từ trứng (bánh trứng, trứng muối…)

- Nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ hoặc xanh thẫm: Như cà rốt, bí ngô, gấc, cà chua hoặc rau tươi có màu xanh thẫm là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng chủ yếu cho cơ thể.

- Nhóm rau củ quả khác: Như su hào, củ cải cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ.

- Nhóm dầu ăn, mỡ các loại: Là nguồn cung cấp năng lượng và các axit béo cần thiết cho cơ thể. Nên ăn phối hợp cả dầu và mỡ.

Nguồn tin: Ngọc Hoa - Hữu Khánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG TIN VỀ DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA GÂY RA (nCoV)
CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
Thống kê
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay22,302
  • Tháng hiện tại44,633
  • Tổng lượt truy cập31,656,961
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây