Theo Bác sỹ Võ Phạm Trọng Nhân, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Trước đây, bệnh viện có triển khai “Quy trình xử lý xung đột”, các sự cố xung đột hầu như do các khoa tự xử lý, nhân viên trực chỉ gọi điện thoại báo đội bảo vệ đến hỗ trợ, khi sự cố “leo thang”, có khả năng xảy ra xung đột nghiêm trọng thì mới báo phòng trực KHTH để báo cáo trực lãnh đạo liên hệ các cơ quan chức năng bên ngoài như Công an Phường 5 hay Cảnh sát 113 đến hỗ trợ (nếu cần). Vì vậy, trong giải quyết sự cố thường bị động, thời gian xử lý sự cố thường kéo dài lên đến 15, 20 phút. Vì thế việc xử lý sự cố chậm, thậm chí khi thông tin được tiếp nhận sự cố đã xảy ra, đã có ẩu đả, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần của nhân viên y tế và hư hại tài sản của bệnh viện. Tuy nhiên, từ khi triển khai ứng dụng quy trình cải tiến thời gian tiếp nhận xử lý thông tin sự cố giảm nhanh.
Cụ thể, Quy trình cải tiến này được xây dựng kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin, nút báo động được đặt ở nhiều vị trí quản tọng, dễ xảy ra xung đột như: cổng bảo vệ, khu vực cấp cứu… nút báo động kết nối với các khoa phòng liên quan, 1 khi nút báo động kích hoạt, các số điện thoại được kết nối hệ thống sẽ cùng lúc nhận được tín hiệu, tất cả các thành viên liên quan đều phải tập trung để hỗ trợ xử lý sự cố, nhờ đó giảm được thời gian tiếp nhận thông tin về sự cố và thời gian tiếp nhận xử lý của các bộ phận được tiến hành nhanh và đồng bộ hơn. Trước đây thời gian tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin phải mất 15, 20 thì nay thời gian này giảm xuống chỉ còn 1 phút 30 giây. Sau khi có báo động chỉ cần 1 phút 30 giây.
Với quy trình này, nhiều sự cố an ninh đã được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, đảm bảo an toàn người bệnh và nhất là giải tỏa sự lo lắng của nhân viên bệnh viện vì tình hình mất an ninh, trật tự, thậm chí đe dọa cả tính mạng của nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân ngày càng diễn ra phổ biến hiện nay. Nhất là tạo tâm lý an tâm khi trực bảo vệ vào ban đêm, gặp các tình huống gây rối của người say xỉn, của người nghiện hút, đó là chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Tâm, nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Qua diễn tập giúp Bệnh viện hệ thống lại sáng kiến, điều chỉnh để quy trình thêm tối ưu trong các biện pháp xử lý, nâng cao kỹ năng phản ứng, phối hợp giữa các nhóm, nhất là các bước xử lý tình huống của đội ngủ bảo vệ tại khu vực xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên bệnh viện. Đặc biệt là trong tình hình dịch SARS-CoV-2 diễn biến ngày càng phức tạp, việc xử lý nhanh, cũng giúp cho Bệnh viện giải quyết được tình trạng ùn ứ đông người tại khu vực cổng bệnh viện, tại các khu cấp cứu, đảm bảo việc thực hiện quy định về phòng dịch Covid-19.