Ngoài biểu hiện chính ở đường hô hấp, biểu hiện lâm sàng tiêu hóa cũng là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân COVID-19, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
SARS-CoV-2 xâm nhập đường tiêu hóa bằng cách nào?
Khi các hạt virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào niêm mạc mũi hoặc miệng, thì một loại protein có tên gọi là "spike protein" trên bề mặt virus sẽ gắn kết với một thụ thể men chuyển tên là angiotensin 2 (ACE2).
ACE2 là thụ thể tồn tại ở khắp nơi trong cơ thể, chính vì thế, khi virus xâm nhập, nó sẽ biến các tế bào thành một "nhà máy", tạo ra hàng triệu bản sao của chính nó và gây ra bệnh COVID-19. Sau đó SARS-CoV-2 có thể đi theo đường thở ra hoặc các giọt bắn do ho ra để lây nhiễm cho người khác.
BSCK2. Trần Kiều Miên - Phó Chủ tịch hội khoa học tiêu hóa Việt Nam cho biết, SARS-CoV-2 bám vào và tấn công các tế bào thông qua hệ thống men chuyển ACE2. Virus tấn công vào đa phủ tạng và gắn kết với angiotensin 2 và phân bố rộng rãi gần như trên toàn bộ cơ thể. Như vậy các hệ thống trong cơ thể đều có xuất hiện angiotensin 2 và virus đều có thể bám dính cơ quan đó.
Về cơ chế rối loạn ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, từ khi bệnh nhân hít phải giọt bắn có SARS-CoV-2, virus sẽ đi vào cơ thể bằng 2 con đường:
Thứ nhất là đi vào phổi qua đường hô hấp và biểu hiện bệnh COVID-19 ở phổi. Bệnh nhân thường tử vong với các bệnh lý ở phổi và viêm phổi đông đặc.
Thứ hai là đi theo con đường tiêu hóa bằng cách các gai của virus gắn vào các tế bào của hệ thống ACE2. Mà các thụ thể men chuyển ACE2 có rất nhiều trên hệ tiêu hóa, từ gan mật, đến đường tiêu hóa ống.
Ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19 đến đường tiêu hóa
Men ACE2 có mặt tại hầu hết các cơ quan trong cơ thể người. Trên hệ hô hấp, men ACE2 biểu hiện chủ yếu trên bề mặt các tế bào phổi, số ít hơn trên biểu mô niêm mạc miệng, mũi và vòm họng. Ngoài ra, ACE2 còn được tìm thấy khá nhiều tại tế bào cơ tim, ống lượn gần của thận, biểu mô bàng quang, và các tế bào ruột non, nhất là hồi tràng. Virus sau khi bị thực bào bởi đại thực bào sẽ có khả năng lan truyền từ phổi đến các cơ quan có biểu hiện men ACE2 với mật độ cao thông qua hệ thống tuần hoàn.
BSCK2. Trần Kiều Miên cho biết: Tại hệ tiêu hóa, ACE2 là một chất điều hòa quan trọng trong cơ thể. Nó mang tính chất độc lập và có chức năng ổn định acid amin ở trong thức ăn, kiểm soát sự hấp thu natri cũng như các acid amin. Acid amin có 2 loại là cần thiết và không cần thiết. Trong cơ thể AEC2 sẽ kích thích và hấp thu acid amin cần thiết và quan trọng, chuyển hóa các chất quan trọng và là khởi đầu cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Khi virus gắn kết ACE2 nó sẽ làm mất ACE2 khiến cơ thể giảm hấp thu các acid amin có lợi, những chất tạo ra hệ miễn dịch, từ đó làm giảm hàng rào kháng khuẩn của đường tiêu hóa, giảm yếu tố bảo vệ và giảm các vi khuẩn có lợi, dẫn đến loạn khuẩn đường tiêu hóa.
Theo ThS. Trần Đăng Khoa - Bộ môn Nội nhiễm - Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh: Trong các nghiên cứu ghi nhận triệu chứng tiêu hóa ở bệnh nhân COVID-19 đang nhiễm và hậu nhiễm lên đến 79% và thường xuất hiện trước cả các biểu hiện hô hấp.
Các triệu chứng tiêu hóa được ghi nhận như:
Tiêu chảy
Chán ăn, ăn không ngon
Nôn và buồn nôn
Hội chứng ruột kích thích
Rối loạn vi khuẩn ở đường ruột…
COVID-19 ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, gây rối loạn bài tiết các men tiêu hóa, acid ở đường tiêu hóa, dẫn đến loét dạ dày. Nghiêm trọng hơn là biểu hiện xuất huyết tiêu hóa. Các triệu chứng này có thể xuất hiện ở tất cả các mức độ bệnh COVID-19 từ nhẹ, trung bình, nặng, thậm chí sau khi khỏi COVID-19 với các mức độ nghiêm trọng khác nhau. Tất cả những điều này đều dẫn đến hậu quả là làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân.
Theo BSCK2. Trần Kiều Miên: "COVID-19 có thời gian triệu chứng từ khoảng 14 ngày. Thông thường triệu chứng lâm sàng nặng là từ 5-7 ngày. Sau khi xuất hiện triệu chứng COVID-19 khoảng 2-3 ngày bệnh nhân đã có các triệu chứng mệt mỏi, sốt, chán ăn và có tới 40% bệnh nhân có biểu hiện đau bụng. Sau đó nếu bệnh nặng lên, COVID-19 sẽ tấn công vào phổi và các cơ quan ngoài phổi".
Ứng phó ra sao?
BS. Miên cho biết, có từ 50-70% bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng đường tiêu hóa nhưng thường không có triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi. Biểu hiện duy nhất của bệnh lý là mất khứu giác và vị giác.
Sau đó vị giác khứu giác của bệnh nhân có thể thay đổi. Các thay đổi này khiến bệnh nhân ngửi thấy mùi vị của thức ăn từ thơm ngon chuyển thành mùi tanh, hôi… khiến bệnh nhân chán ăn sợ ăn.
Từ chán ăn, ăn không ngon miệng dẫn đến suy dinh dưỡng. Tình trạng này kéo dài sẽ làm bệnh nhân kiệt sức, trầm cảm kéo dài… đi sau hội chứng COVID-19. Do đó, vấn đề săn sóc về dinh dưỡng cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 là rất quan trọng.
Ngoài đường ruột, virus SARS-CoV-2 còn gây ảnh hưởng đến gan, mật. Trong đó ảnh hưởng đến đường mật trước khi làm tổn thương tế bào gan, do COVID-19 làm tắc mật kéo dài dẫn đến ảnh hưởng đến gan, làm nặng hơn các bệnh lý ở gan (gan nhiễm mỡ, viêm gan do virus…), gây hoại tử tế bào gan…
Theo BS. Miên, nếu bệnh nhân có hiện tượng tiêu chảy được phát hiện và điều trị ngay từ sớm bằng các thuốc tiêu hóa thông thường cùng với phục hồi và cân bằng vi khuẩn có lợi bằng men vi sinh thì tình trạng bệnh tiêu chảy sẽ sớm được giải quyết và tránh tổn thương sâu hơn, nặng hơn…
Còn nếu để tình trạng tiêu hóa nặng lên, tổn thương sâu hơn dẫn đến loét tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và góp phần làm cơn bão cytokine xuất hiện.
Vì thế, để hạn chế ảnh hưởng của COVID-19 lên hệ tiêu hóa, cần quan tâm ngay từ khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng: Mất vị giác, khứu giác, nôn ói… để ứng phó thích hợp.