Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Hiện diễn biến dịch có xu hướng gia tăng về ca mắc, nhất là kể từ sau tháng 9, khi các em tựu trường trở lại. Ghi nhận diễn biến dịch từ đầu tháng 9 đến nay.
8 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận hơn 800 ca bệnh TCM. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chỉ trong 2 tháng tựu trường, toàn tỉnh ghi nhận hơn hơn 1.400 ca mắc, nâng tổng số ca mắc bệnh TCM từ đầu năm đến nay là hơn 2.200 trường hợp. Đến nay, công tác giám sát, xử lý ổ dịch tiếp tục được Ngành Y tế Bến Tre triển khai thực hiện tốt ở các cấp, cũng như phối hợp chặt với các Ngành Giáo dục trong phát hiện, cách ly và xử lý ca bệnh tại trường, nhờ đó không để dịch lớn xảy ra. Hiện đã xử lý gần 60 ổ dịch tay chân miệng.
Dù tỉnh chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh, tuy nhiên đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nặng, trong đó đã phát hiện sự lưu hành của biến chủng EV71 của bệnh TCM – Biến chủng nguy hiểm, dễ đưa đến các biến chứng nặng nề, tử vong nhanh ở trẻ.
Dịch tay chân miệng vẫn đang có những diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát cao. Vì thế Ngành y tế lưu ý các đơn vị y tế cơ sở và các trường mầm non trên toàn tỉnh tiếp tục phối hợp, theo dõi sát tình hình dịch bệnh và xử lý ngay, triệt để ổ dịch khi có ca bệnh xuất hiện. Phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của bé, hạn chế cho bé đến các khu vực đông người, khu vui chơi công cộng, rửa tay thường xuyên với nước sát khuẩn, hướng dẫn trẻ rửa tay, nhất là sau khi ra ngoài về, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên lau dọn nhà cửa bằng nước lau sàn thông thường, lau chùi bề mặt và vệ sinh đồ chơi cho trẻ thường xuyên. Khi trẻ có biểu hiện sốt, nổi mụn nước trên tay, chân miệng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị và cách ly trẻ với những người xung quanh.