Bình thường, cơ thể con người được hàng tỷ tỷ tế bào cấu tạo nên. Sự phát triển và hoạt động của tế bào do hệ thống các gen điều khiển. Nhưng khi các gen này đột biến, chúng không thể điều hòa và kiểm soát được sự nhân lên của các tế bào mới sinh dẫn đến sự rối loạn về hình thái và chức năng của tế bào, hình thành các tế bào ung thư. Các tế bào ung thư rối loạn và gây ảnh hưởng đến hệ thống mô và cơ quan đó, cuối cùng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể do di căn.
Tế bào ung thư phát triển thầm lặng. 80% ung thư có liên quan đến môi trường sống hàng ngày, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen sinh hoạt, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn. Nhiều bệnh ung thư có thể ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố nguy cơ cao, chẳng hạn như khói thuốc lá, một số hóa chất độc hại. Ngoài ra, có một tỷ lệ đáng kể ung thư có thể được điều trị có kết quả tốt bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị liệu, đặc biệt nếu được phát hiện bệnh sớm vì vậy, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa bệnh ung thư một cách có hiệu quả, cũng như phát hiện sớm được các bệnh ung thư để điều trị kịp thời.
Tại Việt Nam, trên 80% bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh ung thư ở giai đoạn muộn và khó có thể chữa khỏi. Các loại bệnh ung thư hiện nay có tỷ lệ mắc và tử vong tùy thuộc vào giới tính.
Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và ung thư vòm họng.
Ung thư phổ biến nhất ở nữ giới là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày.
Những yếu tố có nguy cơ gây ung thư
- Nhìn chung đa phần ung thư hay gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt từ 40 – 60 tuổi.
- 90-95% trường hợp bệnh ung thư là do môi trường, chỉ 5-10% là do di truyền: một số gen có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi các gen đó bị tổn thương bất thường (đột biến) người đó dễ mắc một loại ung thư nào đó.
- Nhiễm vi rút có thể gây ung thư như HPVgây ung thư cổ tử cung, vi rút viêm gan B HBV gâu ung thư gan...
- Lối sống thiếu khoa học, các thói quen sinh hoạt, tật xấu như hút thuốc, uống rượu.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
- Tiếp xúc với tia phóng xạ, tia cực tím .
- Ô nhiễm môi trường
Các triệu chứng báo động ung thư
- Cơ thể mệt mỏi, ho dai dẳng kéo dài.
- Giảm cân đột ngột trong thời gian ngắn.
- Xuất hiện u, cục.
- Xuất hiện những đốm nâu lạ, mảng màu khác thường trên da.
- Những thay đổi bất thường ở miệng như xuất hiện đốm đỏ, trắng ở lưỡi, họng.
- Chảy máu bất thường, ho ra máu, đi ngoài, tiểu tiện ra máu, chảy máu âm đạo, chảy máu núm vú… lần lượt là dấu hiệu cảnh báo các bệnh ung thư phổi, ung thư ruột kết, ung thư cổ tử cung, ung thư vú.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư
Ung thư không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 1/3 các loại ung thư có thể dự phòng dược, 1/3 ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và 1/3 số bệnh nhân ung thư còn lại có thể kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng cuộc sống bằng các phương pháp điều trị, chăm sóc.
Ung thư có thể gây ra bởi các tác nhân khác nhau (bên trong và bên ngoài) và có thể phát triển trong nhiều năm trong đó có một số yếu tố nguy cơ có thể được kiểm soát. Việc lựa chọn các hành vi sức khỏe đúng và ngăn ngừa tiếp xúc với một số yếu tố nguy cơ môi trường có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của ung thư:
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý và an toàn
- Tăng cường hoạt động thể lực.
- Giảm tiếp xúc với các chất độc hại và ô nhiễm môi trường
- Tiêm chủng vacxin phòng ngừa.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.