Mặc dù tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm đáng kể trong thời gian qua, nhưng hút thuốc lá thụ động vẫn đang là nguyên nhân gây ra khoảng 18.800 ca tử vong.
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm tại hầu hết các địa điểm. Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2023 đã giảm đáng kể so với năm 2010, như tại nơi làm việc (giảm từ 55,9% xuống 23%); trên phương tiện giao thông công cộng (giảm từ 34,4Z% xuống 19%); tại gia đình (giảm từ 73,1% xuống 45,6%)...
Kết quả này cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc trong cộng đồng đã có chuyển biến tích cực, đây cũng là một trong những kết quả bền vững trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nước ta.
Tuy nhiên, đến nay tại nước ta, tỷ lệ hút thuốc cũng như phơi nhiễm với khói thuốc thụ động còn cao đang tạo ra những gánh nặng bệnh tật và kinh tế. Việc sử dụng thuốc lá liên quan đến 25 căn bệnh: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Ước tính mỗi năm có khoảng 104.300 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó hút thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong và hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong.
Như vậy, bên cạnh triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, ngăn chặn người mới hút thuốc... cần tiếp tục thực thi các biện pháp bảo đảm môi trường không khói thuốc để duy trì thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.