Dị ứng thời tiết thường gặp hơn vào những thời gian chuyển mùa, do nhiệt độ thay đổi đột ngột nóng - lạnh hoặc độ ẩm, ảnh hưởng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc hoặc thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí, tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể.
Các triệu chứng dị ứng thời tiết có thể bao gồm:
Có hai cách tiếp cận chính để đối phó với dị ứng thời tiết là tránh hoặc giảm thiểu tiếp xúc với các chất gây dị ứng và điều trị các triệu chứng.
Các triệu chứng dị ứng liên quan đến thời tiết thường có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc: Kháng histamine, thuốc thông mũi, thuốc xịt mũi và kem bôi…
- Thuốc kháng histamin dạng uống: Giúp ngăn chặn các hóa chất trong hệ thống miễn dịch cơ thể gây ra phản ứng dị ứng. Thuốc kháng histamin được chia thành các thế hệ (thứ nhất, thứ hai, thứ ba) dựa trên thời điểm thuốc được phát triển và ở một mức độ nhất định dựa trên hồ sơ tác dụng phụ của thuốc.
+ Thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai: Nên bắt đầu với các thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai, vì chúng có sự cân bằng tốt giữa hiệu quả, khả năng dung nạp và giá cả, bao gồm một số thuốc như certirizine (zyrtec), loratadine (claritin), fexofenadine (allegra)… Tất cả đều được dùng một lần mỗi ngày và thường ít hoặc không gây buồn ngủ.
+ Thuốc kháng histamin thế hệ thứ ba: Levocetirizine (xyzal), desloratadine (clarinex)… là phiên bản 'cải tiến' của các sản phẩm thế hệ thứ hai, có tác dụng tốt hơn hoặc ít tác dụng phụ hơn (nhưng điều này chưa được chứng minh) và các sản phẩm thường đắt hơn. Các thuốc này thường được dự trữ khi thế hệ thứ hai không có tác dụng.
+Thuốc kháng histamin thế hệ đầu tiên: Diphenhydramine (benadryl), chlorpheniramine (chlor-trimeton), clemastine (tavist)… là các loại thuốc cũ hơn, mặc dù có hiệu quả, phải dùng thường xuyên hơn và có nhiều tác dụng phụ phổ biến hơn như buồn ngủ. Tốt nhất nên dùng như một lựa chọn cuối cùng nếu các thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai hoặc thứ ba không hiệu quả hoặc khi dùng liều nhỏ trước khi đi ngủ.
- Thuốc giúp thông mũi: Các thuốc thường dùng để xịt mũi như oxymetazoline, naphazolin… rất hiệu quả trong điều trị nhanh chóng và ngắn hạn tình trạng nghẹt mũi, làm giảm sưng ở mũi và xoang, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không nên dùng quá ba ngày để giảm thiểu nguy cơ nghẹt mũi tái phát khi ngừng thuốc.
Một số thuốc thông mũi dạng uống như: Pseudoephedrine (sudafed, sudogest), phenylephrine (sudafed PE)…
- Thuốc xịt giúp giảm ngứa, sổ mũi: Rất hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng sổ mũi, ngứa mũi... do dị ứng thời tiết.
+ Thuốc xịt mũi cromolyn (Nasal-Crom): Hoạt động bằng cách ngăn chặn sự giải phóng các chất gây viêm trong cơ thể; được sử dụng để ngăn ngừa hoặc làm giảm các triệu chứng dị ứng như chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi và ngứa. Không dùng cromolyn điều trị được các triệu chứng của bệnh hen suyễn, nhiễm trùng xoang hoặc cảm lạnh thông thường.
Tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm hắt hơi hoặc cảm giác hơi cay trong mũi sau khi sử dụng.
+ Astapro (Azelastine): Một loại thuốc kháng histamin dùng xịt mũi, hoạt động bằng cách ngăn chặn một số chất tự nhiên gọi là histamin gây ra các triệu chứng ở mũi. Thuốc dùng để làm giảm các triệu chứng ở mũi như chảy nước mũi, ngứa, nghẹt mũi, hắt hơi và chảy dịch mũi sau do dị ứng hoặc các tình trạng khác.
- Kem bôi da: Có thể tạm thời làm giảm ngứa và đau do phát ban liên quan đến dị ứng.
- Steroid: Trong những trường hợp dị ứng nghiêm trọng hơn cần phải dùng thuốc steroid bôi ngoài da hoặc uống theo đơn của bác sĩ. Một số nghiên cứu cho thấy thuốc xịt mũi steroid có thể giúp ích cho các triệu chứng về mắt ngay cả khi sử dụng ở mũi. Lưu ý, không sử dụng thuốc xịt mũi vào mắt. Một số thuốc như fluticasone, triamcinolone, budesonide…
Lợi ích của thuốc xịt mũi steroid có thể mất đến một tuần hoặc hơn để đạt hiệu quả cao nhất, vì vậy hãy bắt đầu sớm và sử dụng liên tục trong mùa.
- Liệu pháp miễn dịch: Trong một số trường hợp, liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng để điều trị dị ứng. Trong quá trình liệu pháp miễn dịch, một lượng nhỏ chất gây dị ứng được đưa vào cơ thể thông qua một mũi tiêm hoặc một viên thuốc tan dưới lưỡi. Theo thời gian, cơ thể sẽ học cách không phản ứng thái quá với chất gây ra các triệu chứng dị ứng.
Mặc dù bạn không thể ngăn ngừa dị ứng hoặc kiểm soát thời tiết, nhưng có thể thực hiện các bước để giúp kiểm soát các triệu chứng của mình:
- Đóng cửa sổ, đặc biệt là vào buổi tối khi luồng không khí có thể làm tăng sự lưu thông phấn hoa.
- Rửa mặt và gội đầu (hoặc tắm hoàn toàn) trước khi đi ngủ để tránh phấn hoa bám vào chăn ga gối đệm. Thay quần áo sau các hoạt động ngoài trời như đạp xe hoặc chạy bộ...
- Đeo kính râm hoặc đồ bảo vệ mắt khi ra ngoài và tránh các hoạt động ngoài trời khi lượng phấn hoa cao.
Bất cứ thứ gì giúp giảm lượng phấn hoa tiếp xúc trực tiếp với mắt hoặc lượng phấn hoa hít vào, hấp thụ vào cơ thể, đều có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng.
Để dùng thuốc trị dị ứng hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:
- Mỗi loại thuốc đều đề cập đến những tác dụng phụ có thể xảy ra trong hướng dẫn sử dụng. Do đó, người dùng nên đọc kỹ tờ hướng dẫn này để nắm được các thông tin về những bất lợi, biết cách phòng ngừa, khắc phục.
- Thuốc xịt thông mũi tại chỗ rất hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng trong thời gian ngắn, nhưng không nên sử dụng thuốc này trong hơn 3-5 ngày liên tiếp, vì có thể làm tăng tình trạng tắc nghẽn (ngạt mũi do thuốc).
- Đối với steroid dạng xịt mũi, cần sử dụng đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất trên sản phẩm. Kỹ thuật tốt nhất là sử dụng tay đối diện để xịt thuốc vào lỗ mũi: Sử dụng tay trái để xịt vào lỗ mũi phải và tay phải để xịt vào lỗ mũi trái. Điều này sẽ hướng thuốc xịt ra khỏi vách ngăn mũi (giữa mũi) và sẽ làm giảm tác dụng phụ và bất kỳ vấn đề nào khác…
Nguồn tin: Khoa TT GDSK:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn