Với đột quỵ do xuất huyết, cứ 4 người thì 3 người tử vong hoặc để lại biến chứng, cần người chăm sóc nhiều năm. Còn với nhồi máu cơ tim, tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 60% và cũng để lại tình trạng tàn phế, gây ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đáng báo động là tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa. 20% số bệnh nhân nhồi máu cơ tim trên thế giới là dưới 40 tuổi. Còn tại Việt Nam, các bệnh viện chuyên ngành tim mạch, đột quỵ ghi nhận nhiều bệnh nhân chỉ hơn 20 tuổi đến hơn 30 đã bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân là do giới trẻ hiện nay đang sống theo "trend", ăn nhiều đồ ăn nhanh, nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, chất kích thích, nước ngọt có ga, sử dụng điện thoại, máy tính liên tục, sống vội vã căng thẳng và ít vận động. Đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Đưa ra lời khuyên đối với người trẻ, GS,TS Đỗ Doãn Lợi cho biết, muốn sống khỏe phải xác định cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tránh rượu bia, thuốc lá, tăng cường vận động thể lực nhiều hơn.
TS Azumi Ishizaki, chuyên gia về Nội khoa đến từ Nhật Bản cho biết: “Nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch ở người Việt Nam được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp gồm huyết áp cao, hút thuốc lá, đường máu cao, mỡ máu cao và béo phì. Như vậy, đối với người Việt Nam, việc cải thiện tình trạng tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu, béo phì...; không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc, kiểm soát cân nặng hợp lý, vận động, tập thể dục phù hợp sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch”.
Theo WHO, bệnh đột quỵ và nhồi máu cơ tim có tỷ lệ mắc rất cao, nhưng đại đa số các yếu tố nguy cơ chính gây ra 2 bệnh này lại có thể phòng ngừa được. Chương trình dự phòng phòng đột quỵ và nhồi máu cơ tim do Đại học Y Khoa Tokyo Việt Nam và Bệnh viện Kusumi triển khai sẽ góp phần khắc phục tình trạng hàng trăm nghìn ca tử vong và hàng triệu trường hợp tàn phế do 2 căn bệnh này tại nước ta mỗi năm.
Nguồn tin: Khoa TT GDSK:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn