Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực y tế trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 12/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với 41 đại biểu chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận.
Còn 17 đại biểu chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển tới Bộ Y tế trả lời theo đúng quy định.
"Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Đào Hồng Lan trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng với kinh nghiệm công tác, điều hành, Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn đối với các nội dung Đại biểu Quốc hội đặt ra", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan, địa phương đã tích cực triển khai, ban hành các cơ chế chính sách tháo gỡ cho công tác y tế, góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngành y tế đã chủ động ứng phó hiệu quả trong các tình huống thiên tai, nguồn cung ứng thuốc cơ bản được đảm bảo, giá thuốc cơ bản được duy trì, bình ổn. Công tác phòng chống tác hại thuốc lá đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều giải pháp tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá đã được đẩy mạnh... Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Xây dựng kế hoạch tổ chức mua sắm, dự trữ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, sẵn sàng cấp phát, hỗ trợ các đơn vị, địa phương.
Thứ hai, hoàn thiện quy trình thẩm định, cấp giấy phép theo hướng tinh gọn, minh bạch và rút ngắn thời gian; tăng cường năng lực quản lý nhân sự, thực hiện công tác quản lý nhà nước và huy động sự tham gia hiệu quả của hội nghề nghiệp công tác này. Trong năm 2024 thực hiện phân cấp thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cấp hệ thống quốc gia quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Thứ ba, tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thuốc, vaccine, thiết bị y tế, khám bệnh, chữa bệnh BHYT và phát triển công nghiệp dược.
Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết đúng thực phẩm chức năng.
Thứ tư, khẩn trương đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội việc sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nghiên cứu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trước đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cảm ơn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian cho các thành viên Chính phủ báo cáo, làm rõ, giải trình, trả lời chất vấn nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực y tế.
Theo chương trình của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã báo cáo, giải trình, trả lời nhiều câu hỏi chất vấn về các nhóm vấn đề thuộc phạm vi chất vấn. Đây là những vấn đề hết sức thiết thực, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài đối với sức khỏe, đời sống của nhân dân, và đây cũng đang là vấn đề nổi lên trong thực tiễn quản lý, đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các cấp, các ngành và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít những hạn chế, bất cập, thậm chí còn một số vấn đề gây bức xúc trong dư luận như chưa khắc phục được triệt để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, chậm xử lý một số dự án, vướng mắc, bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng, phòng chống tác hại của thuốc lá.
Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác y tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan địa phương liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bộ đã tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng trình Quốc hội nhiều dự án Luật, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đôn đốc, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện tại các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở; đồng thời cũng nghiên cứu rà soát, có những giải pháp căn cơ để giải quyết những vấn đề nêu trên cả trước mắt lẫn lâu dài.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo Phó Thủ tướng, nhìn chung kết quả đạt được là cơ bản, trong đó có nhiều vấn đề đã có những chuyển biến tích cực nhưng cũng có những vấn đề mới đạt kết quả bước đầu và còn một số bất cập cần tiếp tục chỉ đạo, giải quyết, trong đó cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, quy định pháp luật có liên quan.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo toàn ngành y tế và các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục những hạn chế bất cập, thực hiện đồng bộ những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế.
Cùng với việc nghiên cứu hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, pháp luật cũng cần tập trung xử lý, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu quản lý của ngành y tế; đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan liên quan, đồng thời kịp thời chấn chỉnh những bất cập trong tổ chức thực hiện.
Phó Thủ tướng khẳng định, về cơ bản đã đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế công lập nhất là một số loại thuốc đặc thù. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân trong đó có thời điểm còn thiếu hụt một số nguồn cung trên thị trường thế giới, trong nước cũng như tâm lý e ngại của một số đơn vị. Thời gian tới, yêu cầu phải thực hiện nghiêm quy định, có kế hoạch cụ thể, chủ động hơn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện việc này, trong đó có tăng cường trách nhiệm quản lý, trách nhiệm công vụ của đơn vị thuộc Bộ Y tế có liên quan, của lãnh đạo địa phương và kể cả giám đốc bệnh viện...
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm tất cả các khâu, tăng cường phối hợp trong quản lý thực phẩm chức năng giữa các ngành, các lực lượng có liên quan...
Phó Thủ tướng trân trọng đề nghị các đoàn Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo địa phương các cấp tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để tích cực xử lý, giải quyết các vấn đề đặt ra, để ngành y tế không đơn độc trong thực hiện sứ mệnh quan trọng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Nguồn tin: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn