Ngày 14 tháng 11 hàng năm được Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) chọn làm Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường, với mục tiêu nâng cao nhận thức về căn bệnh này và kêu gọi hành động phòng ngừa và hỗ trợ cho những người mắc bệnh trên toàn cầu. Đây là một dịp để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe thường xuyên, giúp ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường trong cộng đồng.
Bệnh đái tháo đường: Phân loại và thực trạng
Đái tháo đường type 1: Do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối.
Đái tháo đường type 2: Do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.
Đái tháo đường thai kỳ: Là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường típ 1, típ 2 trước đó.
Các loại đái tháo đường đặc biệt do các nguyên nhân khác, như đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2021 có khoảng 537 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, và con số này dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới nếu không có các biện pháp phòng ngừa kịp thời.Trong đó đái tháo đường type 2 là thể bệnh phổ biến nhất, gặp nhiều nhất ở người trên 40 tuổi và có xu hướng dần trẻ hóa. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc đái tháo đường cũng tăng đáng kể, với hàng triệu người đối diện với nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim mạch, suy thận, và mất thị lực.
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường bao gồm di truyền, thói quen ăn uống không lành mạnh, ít vận động, béo phì, ĐTĐ thai kỳ... Một chế độ ăn giàu đường và chất béo, kết hợp với việc lười vận động, làm tăng nguy cơ mắc bệnh một cách đáng kể.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường
Việc thay đổi lối sống là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc, cùng với việc tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, sẽ giúp cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh cũng rất quan trọng. Việc phát hiện sớm sẽ giúp bệnh nhân có thời gian để điều chỉnh lối sống và điều trị kịp thời.
Các hoạt động trong Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường
Vào ngày này, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức nhằm lan tỏa thông điệp và khuyến khích hành động như:
Chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức: Các bài viết, video và tài liệu thông tin được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông để giúp người dân hiểu rõ hơn về đái tháo đường, những dấu hiệu cảnh báo và biện pháp phòng ngừa.
Khám và xét nghiệm đường huyết miễn phí: Nhiều địa điểm công cộng tổ chức xét nghiệm đường huyết miễn phí, giúp phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và hỗ trợ người dân kiểm soát sức khỏe.
Tổ chức hội thảo và buổi tư vấn sức khỏe: Các chuyên gia y tế tổ chức hội thảo, tọa đàm về bệnh đái tháo đường nhằm cung cấp kiến thức và nâng cao hiểu biết về cách phòng ngừa và kiểm soát bệnh.
Chạy bộ và các hoạt động thể thao: Các hoạt động như chạy bộ gây quỹ, đi bộ cộng đồng giúp khuyến khích mọi người tăng cường vận động, nâng cao sức khỏe và đồng thời gây quỹ hỗ trợ bệnh nhân.
Lời kêu gọi hành động
Chúng ta cần chung tay hành động để giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong lối sống hàng ngày, như ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Hãy tham gia các hoạt động trong Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường, cùng nhau nâng cao nhận thức và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.