Khoảng 7 triệu người Việt sống trong vùng sốt rét lưu hành, phải nỗ lực để loại trừ bệnh này vào năm 2030

Chủ nhật - 12/05/2024 20:36
Để hoàn thành mục tiêu Việt Nam loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch hoặc Chiến lược Quốc gia; đồng thời tham mưu việc thành lập Hội đồng tư vấn thanh toán bệnh sốt rét vào năm 2030.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

"Hội đồng tư vấn thanh toán bệnh sốt rét vào năm 2030 không chỉ gồm các chuyên gia đại diện các cơ quan chuyên môn về phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng trong nước mà còn có cả chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới để cùng phối hợp, đồng hành với Việt Nam trong tiến trình đạt được mục tiêu phòng chống sốt rét vào năm 2023.

Cùng đó, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và các đơn vị liên quan cũng cần làm tốt những nhiệm vụ, kế hoạch đã được phê duyệt về phòng chống bệnh sốt rét..."

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh những nội dung trên trong buổi làm việc cuối tuần này tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương về công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng toàn quốc trong những năm tới mà Sức khỏe & Đời sống đã đưa tin trước đó.

Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế.

Gần 5 tháng đầu năm, sốt rét tăng hơn 107%

Báo cáo tại buổi làm việc, TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thông tin, năm 2023, toàn cầu có 249 triệu trường hợp mắc sốt rét ở 85 quốc gia, tăng 5 triệu trường hợp so với năm 2022. Châu Phi vẫn là khu vực có tình hình sốt rét nặng nhất, ước tính có khoảng 233 triệu trường hợp mắc sốt rét, chiếm 94% số bệnh nhân sốt rét toàn cầu.

Khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, có khoảng 1,4 triệu trường hợp mắc, chiếm 0,56% tổng số bệnh nhân sốt rét toàn cầu.

Tại Việt Nam, TS Cảnh cho biết, trong 10 năm qua số trường hợp mắc và tử vong do sốt rét giảm dần qua các năm và đã giảm 35 lần (từ 15.752 ca xuống còn 448 ca/năm), đặc biệt giai đoạn 2014-2016 giảm mỗi năm 2 lần và giai đoạn 2019 -2021 giảm mỗi năm trên 3 lần. Năm 2023, Việt Nam ghi nhận 448 ca mắc sốt rét.

"Trong 18 tuần đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 141 trường hợp mắc sốt rét, tăng 107,4% so với cùng kỳ năm 2023, không có dịch sốt rét xảy ra. Số ca mắc sốt rét chủ yếu tập trung tại tỉnh Khánh Hòa (94/141 trường hợp), chiếm 66,7% số mắc toàn quốc, tiếp đó là tỉnh Nghệ An (8 trường hợp), Hà Tĩnh (7 trường hợp)"- TS Cảnh thông tin.

Có 6 tỉnh phát hiện từ 2 – 4 trường hợp, còn lại phát hiện 1 trường hợp. Trong các tỉnh có bệnh nhân sốt rét có tới 13/23 tỉnh đã được công nhận loại trừ sốt rét có bệnh nhân ngoại lai trở về. "Đây là một thách thức cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét cần phải xem xét trong thời gian tới"- TS Cảnh bày tỏ.

Viện trưởng Hoàng Đình Cảnh cho hay, để Việt Nam Loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới thì đến năm 2027 toàn quốc phải không còn trường hợp mắc ký sinh trùng sốt rét nội địa. Trong khi đó, đến nay vẫn còn nhiều tỉnh có tình hình sốt rét dai dẳng, phức tạp thậm chí thành điểm nóng khó can thiệp như Lai Châu, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông…

Cùng đó, theo thống kê toàn quốc có khoảng 7 triệu người dân sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành tại 1.030 xã, chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu vùng xa, vùng Tây Nguyên, vùng biên giới.

Ngoài ra, ý thức người dân chưa thực sự tích cực tham gia vào công tác phòng chống sốt rét như không phun hóa chất tồn lưu; không ngủ màn, không uống thuốc đúng/đủ liều khi bị bệnh tại vùng sốt rét lưu hành, đặc biệt là những người dân, đồng bào dân tộc ít người, người lao động thời vụ tại nương rẫy.

"Đã vậy Ký sinh trùng sốt rét P. falciparum kháng artemisinin đặc biệt kháng thuốc sốt rét phối hợp có nguy cơ lan rộng..."- TS Cảnh bày tỏ lo lắng.

Bệnh ký sinh trùng tác động không nhỏ đến sức khỏe nhưng chưa được quan tâm

Cũng tại buổi làm việc, TS Hoàng Đình Cảnh cho biết thêm, các bệnh ký sinh trùng có tỷ lệ nhiễm, lưu hành cao ở một số vùng, gây tác hại lớn đến sức khỏe, tuy nhiên các bệnh ký sinh trùng thường có triệu chứng lâm sàng nhẹ, một số có biểu hiện cấp tính nên chưa được người dân và xã hội quan tâm.

Về nguyên nhân, phân tích của TS Cảnh cho thấy do điều kiện kinh tế, tập quán vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn rất kém làm tăng các nguy cơ lây nhiễm bệnh và làm hạn chế của các biện pháp phòng chống bệnh giun sán.

Một số côn trùng truyền bệnh mới xuất hiện tác động không nhỏ đến sức khỏe và đời sống của người dân (kiến ba khoang, bọ xít hút máu, bọ đậu đen,...), tuy nhiên công tác giám sát, phát hiện và phòng chống còn gặp nhiều khó khăn.

Cùng đó, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức và kịp thời cho công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng. Trong khi đó, sau sáp nhập CDC, cán bộ thực hiện nhiệm vụ phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng tuyến tỉnh không ổn định do luân chuyển, thay đổi.

TS Hoàng Đình Cảnh cũng thông tin thêm, từ năm 2021 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1745/QĐ-BYT về Kế hoạch phòng chống bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 1744/QĐ-BYT hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam; Quyết định số 5003/QĐ-BYT về kế hoạch phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, tuy nhiên các hoạt động này được triển khai rất chậm, mới có 33 tỉnh/thành có Kế hoạch Phòng chống bệnh Ký sinh trùng giai đoạn 2021-2025.

Trong đó có 7 tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt, 10 tỉnh được Sở Y tế phê duyệt, còn lại do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phê duyệt. Đến hết năm 2023 mới chỉ 7% số huyện đã tiến hành hoạt động phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng.
 

Nguồn tin: Trung tâm KSBT Bến Tre:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập194
  • Hôm nay61,737
  • Tháng hiện tại1,082,186
  • Tổng lượt truy cập40,471,231
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây