Viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng nên tỉ lệ mắc bệnh dị ứng cũng tăng theo.Viêm mũi dị ứng không quá nghiêm trọng nhưng lại không thể chữa khỏi hoàn toàn vì nguyên nhân cơ địa. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt các triệu chứng, bệnh sẽ kéo dài, tái diễn nhiều lần và trở thành bệnh mạn tính, tăng nguy cơ làm cho hệ hô hấp suy giảm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Nước muối sinh lý trị viêm mũi dị ứng như thế nào?
Sử dụng nước muối sinh lý là một trong những phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng phổ biến nhất.
Nước muối sinh lý có thể rửa sạch các chất gây dị ứng khỏi đường mũi. Nước muối có thể được sử dụng độc lập cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc dùng trước các loại thuốc trị viêm mũi dị ứng khác, điều này nhằm làm sạch niêm mạc vùng mũi, từ đó giúp tăng tác dụng của thuốc. Hơn nữa, những triệu chứng khó chịu và phổ biến nhất của viêm mũi dị ứng chính là ngứa mũi và nghẹt mũi.
Nước muối sinh lý (NaCl) 0,9% giúp loại bỏ dễ dàng các dịch nhầy là "thủ phạm" chính gây ra hiện tượng tắc nghẽn mũi. Đồng thời, tính sát khuẩn trong nước muối sẽ làm giảm triệu chứng viêm nhiễm. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý 2 – 3 lần/ ngày giúp làm dịu niêm mạc hô hấp và hỗ trợ tăng cường dẫn lưu dịch. Biện pháp này có thể cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi một cách rõ rệt.
Việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý ở trẻ em bị viêm mũi dị ứng giúp cải thiện đáng kể tình trạng nghẹt mũi, ngứa cổ họng, các triệu chứng về chất lượng giấc ngủ và lưu lượng khí lưu thông qua mũi. Rửa mũi đặc biệt hữu ích khi dịch mũi đã bị khô lại.
2. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý đúng cách
Đa số mọi người vẫn còn thực hiện dùng nước muối theo bản năng và chưa biết cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý đúng kỹ thuật. Sau đây là các bước thực hiện rửa mũi theo quy trình mà bệnh nhân nên biết:
- Bước 1: Cho nước muối vào bình bóp, bình xịt hoặc ống xi-lanh.
- Bước 2: Nghiêng người về phía bồn rửa 45 độ, một lỗ mũi hướng xuống bồn rửa mặt. Đừng ngửa đầu ra sau để tránh nước mũi chảy ngược lại vào trong mũi.
- Bước 3: Đặt vòi của chai nước muối vào một bên mũi, sau đó mở miệng đồng thời xịt nước muối từ từ vào khoang mũi. Lưu ý lúc này bạn nên thở bằng miệng chứ không phải bằng mũi.
- Bước 4: Nước muối sẽ chảy qua đường thở và thoát ra khỏi lỗ mũi khác và có thể chảy xuống họng. Mặc dù điều đó không có gì đáng lo ngại nhưng bạn vẫn nên nhổ ra và không được nuốt nó.
- Bước 5: Xì mũi nhẹ nhàng để làm sạch dung dịch còn sót lại. Lặp lại quy trình với lỗ mũi còn lại. Khi cả 2 mũi đã được làm sạch hoàn toàn.
- Bước 6: Hãy vứt bỏ dung dịch còn sót lại, vệ sinh thật sạch tay và các vật dụng bạn đã sử dụng bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn.
3. Làm thế nào sử dụng nước muối sinh lý hiệu quả?
Để sử dụng nước muối sinh lý hiệu quả, cần lưu ý:
- Nên sử dụng các loại nước muối sinh lý chất lượng, được bán ở các nhà thuốc uy tín.
- Sử dụng nước muối đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Nước muối sinh lý chỉ hỗ trợ điều trị với những bệnh lý hô hấp nhẹ. Nếu bệnh trở nặng, bệnh nhân cần đến các bệnh viện để khám và điều trị thích hợp.
- Vệ sinh mũi thường xuyên để mang lại cảm giác dễ chịu, thông thoáng, đẩy các bụi bẩn ra ngoài và góp phần ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng giúp sức đề kháng cơ thể tốt hơn.
- Hạn chế nạp vào cơ thể các loại thực phẩm có chứa chất gây kích thích chẳng như: thuốc lá, rượu bia, các chất gây dị ứng,…
- Tuyệt đối không ở trong phòng có nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng, uống nước đá lạnh,…
- Giảm sự tiếp xúc với những môi trường bị ô nhiễm và nhiều yếu tố gây kích ứng đường hô hấp như khói bụi, lông động vật, phấn hoa,…
- Giữ tâm trạng luôn trong tâm thế thoải mái, lạc quan, tránh tình trạng stress quá mức,…
- Luôn giữ liên lạc và trao đổi với bác sĩ thường xuyên về các chuyển biến của bệnh để áp dụng những biện pháp ứng phó kịp thời.
4. Khi nào gặp bác sĩ
Nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện hoặc có xu hướng trở nên tồi tệ hơn, hãy đến gặp bác sĩ để nhận được tư vấn. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng và cần được kê đơn điều trị.
Bạn cũng nên đi khám nếu gặp các triệu chứng sau cùng với tình trạng nghẹt mũi hoặc kích ứng:
- Sốt từ 38,5°C trở lên.
- Tăng tiết dịch mũi màu xanh lá cây hoặc có máu.
- Chất nhầy có mùi nặng.
- Thở khò khè.