Thời tiết giao mùa và những bệnh đường hô hấp thường gặp

Thứ hai - 13/05/2024 03:33
Khi thời điểm giao mùa nắng – mưa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Mặt khác, đây cũng chính là thời gian thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng cũng như nấm mốc sinh trưởng mạnh và dễ dàng tấn công chúng ta. Hệ hô hấp là một trong những cơ quan dễ bị tấn công nhất. Các đối tượng có hệ miễn dịch kém thường dễ mắc bệnh như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính và phụ nữ mang thai.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Những bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa như: cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và những bệnh mạn tính dễ tái phát như: hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... sẽ có những đợt cấp rồi trở nặng khi gặp điều kiện thuận lợi.
Các bệnh đường hô hấp thường gặp vào lúc giao mùa do có sự thay đổi khí hậu khiến nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày. Khi sự biến động nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch bị bị suy yếu. Bên cạnh đó các vi rút gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Đường hô hấp là nơi mà nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở. Do đó, các triệu chứng như ho và ngứa họng rất phổ biến khi thời tiết thay đổi.
Các bệnh điển hình trong nhóm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp khi thời tiết giao mùa như: cảm lạnh thông thường, cúm, viêm phổi, viêm xoang mãn tính, viêm phế quản mãn tính, viêm mũi, viêm họng
Nhiễm trùng hô hấp là nhiễm trùng xảy ra ở phổi, ngực, xoang, mũi và cổ họng. Bệnh có thể truyền từ người này sang người khác bằng cách hít vào những giọt nước bọt từ người bệnh lúc ho hoặc hắt hơi hay chạm vào mắt, mũi, miệng sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc sờ chạm vào bề mặt có vi rút gây bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng hô hấp thường do vi khuẩn hoặc virus. Nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn có thể được điều trị bằng kháng sinh nhưng virus thì không thể điều trị bằng kháng sinh, mặc dù thuốc kháng virus có thể được sử dụng trong một số trường hợp. Đối với người bệnh mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mãn tính thì bác sĩ dựa trên các triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải để chẩn đoán và điều trị.
Cảm lạnh thông thường là một trong những bệnh lý đường hô hấp thường gặp nhất trong lúc giao mùa. Các dấu hiệu của cảm lạnh hay gặp mệt mỏi, uể oải, nhức mình, đau họng, chảy mũi, nghẹt mũi, ho khan, sốt nhẹ và thường người bệnh khỏe dần sau 5 – 7 ngày. Bệnh do siêu vi gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít dầu mỡ và các nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng sức đề kháng.
Cần phân biệt cảm lạnh thông thường và cúm. Triệu chứng cúm rầm rộ hơn, sốt cao hơn, đau nhức mình, mệt mỏi nhiều hơn. Ở các đối tượng như trẻ em, người già và phụ nữ có thai….bệnh dễ trở nặng hơn và diễn tiến nhanh chóng đến suy hô hấp, đe dọa tính mạng. Khi có các triệu chứng này thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi triệu chứng thường cũng khá rầm rộ. Người bệnh có thể sốt cao, đau họng, ho đàm có màu, tức ngực, khó thở… Đối với các bệnh lý này, người bệnh nên đến cơ sở y tế sớm để được bác sĩ chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Các biện pháp hiệu quả để phòng bệnh hô hấp khi thay đổi thời tiết như:
  • Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh hoặc những ngày có mưa nhiều, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân;
  • Tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch;
  • Tránh quạt máy, máy lạnh, tránh thức khuya. Ăn uống và tập thể dục điều độ.
  • Vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy;
  • Không nên hút thuốc lá, tránh uống nước lạnh, có đá. Tăng cường rau xanh và uống nhiều nước hoa quả;
Hiện nay, nhiều người dân vẫn có thói quen tự ý mua thuốc trong đó có cả thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh đường hô hấp. Nguy hại hơn, nhiều người còn sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ để uống, điều này làm tăng khả năng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh trong cộng đồng, khiến người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị.
Do đó, khi có các triệu chứng của bệnh, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà phải đi khám bệnh và được bác sĩ kê đơn thuốc. Việc làm này vừa tránh cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, lại vừa tránh lây bệnh của mình sang những người xung quanh.
Rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý 0,9% để diệt vi khuẩn gây bệnh và làm sạch khoang mũi họng. Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng là biện pháp vô cùng hiệu quả để giảm lây nhiễm mầm bệnh từ người này sang người khác.

Tác giả bài viết: Ds Thanh Trọng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập179
  • Hôm nay61,737
  • Tháng hiện tại1,077,947
  • Tổng lượt truy cập40,466,992
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây