Người có sức khỏe bình thường uống nước lá sen thế nào có lợi?

Thứ hai - 13/05/2024 23:21
Gần đây, lá sen đang trở thành một loại thảo dược được nhiều người sử dụng dưới nhiều dạng bào chế khác nhau. Tuy nhiên, cách sử dụng thế nào để có lợi cho sức khỏe thì chưa hẳn nhiều người biết.
Lá sen.
Lá sen.

1. Tác dụng của lá sen

Theo Đông y, rất nhiều bộ phận của cây sen có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, trong đó lá sen cũng được dùng làm thuốc với tên gọi Hà diệp.

Theo các thư tịch cổ Đông y, lá sen có vị đắng, tính bình, đi vào các kinh can, tỳ và vị. Lá sen có các công dụng như thăng thanh, tán ứ, thanh thử, hành thủy. Ngày nay lá sen thường được dùng với những tác dụng:

- Tiêu mỡ giảm béoTrong lá sen có chứa một số alkaloid như roemerin, nuciferin. Các alcaloid này khi vào trong cơ thể có tác dụng hỗ trợ phân giải chất béo, thúc đẩy bài xuất chúng ra ngoài cơ thể.

Đồng thời cellulose trong lá sen lại làm tăng nhu động ruột, giúp bài tiết các chất độc ra ngoài. Vì vậy nước sắc lá sen có tác dụng giúp tiêu mỡ giảm béo, giúp hỗ trợ điều trị người bệnh rối loạn chuyển hóa lipid.

Hạ huyết ápRất nhiều người bệnh có mỡ máu cao đồng thời lại có kèm tăng huyết áp, hai bệnh cảnh này kết hợp có thể gây ra rất nhiều biến chứng đến hệ tim mạch, hệ thần kinh… Các nghiên cứu chỉ ra rằng Nuciferin có trong lá sen có tác dụng làm giãn nở mạch máu, từ đó hỗ trợ điều trị rối loạn huyết áp, hạ huyết áp.

- Cải thiện sức khỏe hệ tim mạch: Như đã nói ở trên, uống nước sắc lá sen giúp hạ mỡ máu, hạ huyết áp, thông qua hai tác dụng này lá sen đã có thể nâng cao sức khỏe hệ tim mạch.

Bên cạnh đó các nghiên cứu y học hiện đại phát hiện ra rằng flavonoids có trong lá sen là một chất chống oxy hóa tự nhiên, làm tăng cường hoạt tính enzyme SOD, giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do.

Các bệnh lý hệ tim mạch thường liên quan đến tác động của các gốc tự do, lá sen thông qua việc tăng cường hoạt tính enzyme SOD giúp cải thiện chức năng của tim và mạch máu, dự phòng bệnh lý mạch vành…

Bên cạnh đó, lá sen cũng có chứa natri và kali, đây là những chất có tác dụng kiềm hãm tăng huyết áp, giảm cholesterol, duy trì nhịp tim ổn định qua đó nâng cao sức khỏe hệ tim mạch.

- Lợi tiểu và nhuận tràng: Lá sen là một vị thuốc Đông y có tác dụng lợi tiểu, làm tăng quá trình chuyển hóa nước trong cơ thể. Alkaloid và cellulose trong lá sen có tác dụng thúc đẩy quá trình tiết dịch tiêu hóa và nhu động ruột từ đó giúp ngăn ngừa và điều trị táo bón.

- Giải nhiệt, trị cảm nắng: Theo Đông y tác dụng thanh thử của lá sen được ứng dụng vào trong việc giải nhiệt, trị cảm nắng.

Để nâng cao tác dụng giải nhiệt của lá sen có thể kết hợp lá sen với kim ngân hoa - một vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc - sắc uống thay nước trong những ngày trời nắng nóng.

Lá sen tốt nhất nên dùng với những người có những vấn đề sức khỏe như rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp, nóng trong người… dưới sự theo dõi của người có chuyên môn.

Nước lá sen có nhiều công dụng với sức khỏe.

2. Người bình thường dùng nước lá sen thế nào?

Người bình thường không có các vấn đề sức khỏe như rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp, bệnh lý hệ tim mạch, không có các rối loạn đại tiện và tiểu tiện trong những ngày hè nóng bức có thể dùng lá sen ở lượng thích hợp.

Lá sen với tác dụng giải nhiệt, trị cảm nắng có thể dùng như một loại trà uống thay nước, tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề như sau:

- Dùng với lượng thích hợp trong thời gian thích hợp: Nghĩa là không dùng với liều lượng quá cao trong một ngày, chỉ nên dùng lá sen khô với liều từ 3-10g/ngày, lá sen tươi với liều 15-30g/ngày.

- Không sử dụng lâu ngày: Đồng thời không nên sử dụng quá dài ngày, nếu tự sử dụng lá sen tại nhà chỉ nên dùng tối đa 7-10 ngày, và phải dừng lại ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đi ngoài phân lỏng, đầy bụng, người mệt mỏi, hạ huyết áp…

Uống lá sen lâu ngày, tác dụng nhuận tràng của lá sen còn có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài phân lỏng nát.

Đông y có câu "trúng tễ tắc chỉ" tức là dùng các thuốc với tác dụng loại bỏ tà khí ra khỏi cơ thể thì dùng liều vừa đủ là phải dừng lại, tránh làm tổn hại tới chính khí. Mùa hè cơ thể có một chút dư nhiệt có thể sử dụng lá sen, nhưng nếu sử dụng quá liều lượng có thể ảnh hưởng đến chính khí của cơ thể, dần dần có thể dẫn đến thể trạng hư nhược.

3. Một số đối tượng cần tránh sử dụng nước lá sen

Đồng thời tuyệt đối không sử dụng lá sen với những người có các tình trạng như huyết áp thấp, người có thể trạng hư hàn với những biểu hiện như hay thấy lạnh trong người, chân tay lạnh, hay đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân nát…

Lá sen cũng không được tự ý dùng cho phụ nữ có thai, người đang cho con bú và phụ nữ đang trong thời kỳ hành kinh. Tốt nhất nếu đang phân vân không biết mình có nên sử dụng lá sen hay không bạn nên đến và nhờ sự tư vấn trực tiếp từ các thầy thuốc chuyên môn y học cổ truyền.

Nguồn tin: Mỹ Tuyết (Theo SKĐS):

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập210
  • Hôm nay61,737
  • Tháng hiện tại1,077,188
  • Tổng lượt truy cập40,466,233
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây