Bệnh nhân BHYT mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài được thanh toán trực tiếp khi nào?

Thứ ba - 29/10/2024 02:52
Việc thanh toán trực tiếp thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho bệnh nhân BHYT khi cơ sở y tế không cung cấp đủ thuốc và vật tư y tế chỉ cho từng trường hợp bệnh nhân, chứ không phải là thường quy của cơ sở y tế...
Không phải tất cả các trường hợp mua thuốc, thiết bị y tế bên ngoài khi bệnh viện không cung cấp đủ đều được BHYT thanh toán trực tiếp.
Không phải tất cả các trường hợp mua thuốc, thiết bị y tế bên ngoài khi bệnh viện không cung cấp đủ đều được BHYT thanh toán trực tiếp.

Như Sức khỏe và Đời sống đã thông tin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký ban hành Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT, trong đó nêu rõ điều kiện, tiêu chí và định mức được thanh toán...

Thông tư được dư luận quan tâm vì hy vọng đây sẽ là giải pháp cho bệnh nhân trong bối cảnh không ít bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ, bệnh nhân BHYT phải mua bên ngoài... Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.DSCKII Nguyễn Thị Bích Nga - Trưởng Khoa Dược - Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho rằng Thông tư 22 của Bộ Y tế đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của người dân, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM trung bình điều trị khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú, tuy nhiên bà Nga cũng thông tin thêm, thời gian qua tại cơ sở y tế này chưa có trường hợp người bệnh tham gia BHYT phải mua thuốc bên ngoài...

Chỉ áp dụng thanh toán trực tiếp cho từng trường hợp bệnh nhân BHYT, trong trường hợp bất khả kháng

Trao đổi làm rõ hơn với báo chí về nội dung này, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế lưu ý, việc thanh toán trực tiếp thuốc, thiết bị y tế cho bệnh nhân BHYT khi cơ sở y tế không cung cấp đủ thuốc và vật tư y tế chỉ cho từng trường hợp bệnh nhân, chứ không phải là thường quy của cơ sở y tế.

Theo bà Trang, hiện đã có Luật Đấu thầu, Nghị định 24, các thông tư của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Y tế hướng dẫn phục vụ việc mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, đây là mặt hàng đặc thù, nên ngay cả trong trường hợp các cơ sở y tế đã thực hiện tất cả các giải pháp mua sắm, đấu thầu, vẫn có nguy cơ thiếu thuốc, vật tư, do đứt gãy nguồn cung, hoặc không có đơn vị tham gia thầu, gây ra thiếu cục bộ.

Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT trong trường hợp khách quan mà thiếu vật tư y tế, Bộ Y tế đã trình đồng bộ các giải pháp.

Thứ nhất, trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung lần này bổ sung cơ chế điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp thiếu thuốc, vật tư mà không thể chuyển người bệnh đi nơi khác.

Bà Trang dẫn ví dụ, Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối nên trong trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế (do thực hiện mua sắm mà không được vì yếu tố khách quan), thì Bệnh viện Bạch Mai có thể hỗ trợ điều chuyển và giá thanh toán là giá của BHYT thanh toán cho Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh viện Bạch Mai sẽ tổng hợp hồ sơ thanh toán cho cơ quan BHXH bằng giá đấu thầu mua sắm. Như vậy, vẫn bảo đảm được việc điều trị kịp thời cho người bệnh.

Thứ hai, trong trường hợp điều chuyển bệnh nhân rồi nhưng vẫn không có thuốc, bởi bị thiếu cục bộ, đứt gãy nguồn cung, trong khi cơ sở bán lẻ thuốc ở một vài nơi lại có những vật tư hay thuốc cho từng trường hợp người bệnh, thì người bệnh có thể mua ở bên ngoài và thanh toán với cơ quan BHXH phần đã phải bỏ ra.

Tuy nhiên, bà Trang cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách cũng có ý kiến cho rằng thay vì người bệnh phải trực tiếp thanh toán với cơ quan BHXH thì cần có cơ chế để bệnh viện chi trả cho người bệnh, rồi bệnh viện thanh toán lại với cơ quan BHXH, để giảm thủ tục cho người bệnh.

Vì thế, Bộ Y tế đã kiến nghị sửa đổi tại Điều 31 của Luật BHYT lần này. Nếu được Quốc hội thông qua, bệnh nhân sẽ có hai lựa chọn: Thanh toán trực tiếp với cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở khám chữa bệnh sẽ thanh toán lại với cơ quan BHXH. Trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng với BHYT, thì người bệnh mới đi thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH.

"Như vậy, đã có một cơ chế đồng bộ trong việc bảo vệ quyền lợi người bệnh, nhưng quan trọng nhất là các điều kiện đã quy định rất chặt chẽ trong việc chỉ định mua thuốc bên ngoài, hoặc điều chuyển thuốc, để giảm tình trạng kê đơn mua thuốc ngoài hoặc điều chỉnh thuốc tràn lan.

Thanh toán trực tiếp hay điều chuyển thuốc không phải là giải pháp khuyến khích, mà chỉ thực hiện trong những trường hợp bất khả kháng do khách quan" - bà Trang nhấn mạnh.

Những thuốc và vật tư nào được BHYT thanh toán trực tiếp, thủ tục thế nào?

Bà Trang cũng làm rõ thêm không phải tất cả các trường hợp mua thuốc, thiết bị y tế bên ngoài khi bệnh viện không cung cấp đủ đều được BHYT thanh toán trực tiếp, mà chỉ có các trường hợp: Thuốc thuộc Danh mục thuốc hiếm và thiết bị y tế loại C hoặc D (trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân, thiết bị y tế thuộc danh mục thiết bị y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được mua, bán như các hàng hóa thông thường).

Hồ sơ, thủ tục thanh toán trực tiếp gồm các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm: Thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân; giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh; hóa đơn và các chứng từ có liên quan.

Thủ tục thanh toán trực tiếp: Người bệnh hoặc thân nhân (hoặc người đại diện hợp pháp) trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú. Cơ quan BHXH cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của người bệnh và lập giấy biên nhận hồ sơ. Những hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn bổ sung đầy đủ.

Để được thanh toán BHYT, Bộ Y tế nêu rõ, người mua cần xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định, hợp lệ làm căn cứ thanh toán. Cơ quan BHXH có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí họ đã mua trong vòng 40 ngày.

Trong thời hạn 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán, phải hoàn thành việc giám định BHYT và thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp. Trường hợp không thanh toán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trường hợp người bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để khám và điều trị trước ngày thông tư này có hiệu lực nhưng kết thúc điều trị sau ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Thông tư này.

Nguồn tin: Khoa TT GDSK:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG TIN VỀ DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA GÂY RA (nCoV)
CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
Thống kê
  • Đang truy cập261
  • Hôm nay46,527
  • Tháng hiện tại1,615,260
  • Tổng lượt truy cập37,521,009
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây