Rối loạn tâm thần do rượu

Thứ ba - 29/10/2024 04:49
Rối loạn tâm thần do rượu là một trong những vấn đề sức khỏe ngày càng được quan tâm trong xã hội hiện đại, nơi mà việc sử dụng rượu trở thành một phần của văn hóa giao tiếp và giải trí. Tuy nhiên, lạm dụng rượu kéo dài không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, khiến nhiều người lâm vào các tình trạng tâm lý nguy hiểm.
Bệnh nhân bị loạn thần do rượu đang được điêu trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk.
Bệnh nhân bị loạn thần do rượu đang được điêu trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk.
 
  1. Khái niệm
Bia, rượu thường dùng có thành phần chủ yếu là ethanol với cấu trúc hóa học là C2H5OH.

Dung nạp rượu: sau một thời gian uống rượu có hiện tượng giảm tác dụng của rượu lên cơ thể và cần phải tăng lượng rượu uống vào mới duy trì hiệu quả tác dụng.

Lạm dụng rượu (sử dụng rượu có hại): liên tục sử dụng rượu khi đã có các tác hại về mặt cơ thể và làm ảnh hưởng đến những hoạt động của cá nhân, thường sau đó đi đến lệ thuộc rượu.

Lệ thuộc rượu (nghiện rượu): dùng nhiều rượu lặp đi, lặp lại lâu ngày đến nỗi gây tác hại đến thể chất, tinh thần (bao gồm hội chứng cai rượu và thèm rượu mãnh liệt).
 
  1. Tác dụng của rượu đối với cơ thể:
Hấp thu và chuyển hóa:

Khoảng 10% rượu uống vào được hấp thu ở dạ dày, phần còn lại hấp thu ở ruột non. Nồng độ rượu trong máu đạt đến đỉnh cao từ 45 - 60 phút tùy theo tình trạng của dạ dày: khi đói, sự hấp thu nhanh hơn khi no.

Khoảng 90% lượng rượu hấp thu vào cơ thể được chuyển hóa ở gan. 10% còn lại được tiết dưới dạng nguyên thủy qua thận và phổi. Rượu được chuyển hóa bởi 2 enzyme: alcohol dehydrogenase (ADH) và aldehyde dehydrogenase. ADH chuyển rượu thành acetaldehyde là thành phần độc hại và aldehyde dehydrogenase chuyển acetaldehyde thành acide acetic.
 
Tác dụng của rượu đối với não:
Rượu có khả năng ức chế hệ thần kinh, gây dung nạp chéo. Với nồng độ 0.05% trong máu, quá trình suy nghĩ và phán đoán trở nên lỏng lẻo và đôi khi bị ngưng trệ. Ở nồng độ 0.1%, các cử động tự ý trở nên vụng về. Nồng độ ngộ độc từ 0.1% - 0.15%. Ở nồng độ 0.2%, chức năng toàn bộ vùng vận động của não bị ức chế. Ở 0.3%, người bệnh trở nên lú lẫn và hôn mê. Từ 0.4 - 0.5%, bệnh nhân rơi vào hôn mê.

Tác dụng của rượu lên các cơ quan khác:
 
Lạm dụng rượu lâu dài hoặc dung rượu lượng lớn gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan như: teo não, thoái hóa tiểu não, động kinh, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh cơ tim, bệnh về cơ, viêm gan do rượu, xơ gan, viêm dạ dày, viêm tụy, loét dạ dày và các rối loạn tiêu hóa khác. Người nghiện rượu mạn tính thường thiếu hụt thiamin, vitamin B12, acide nicotinic, folate… gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Trong thời gian có thai, rượu làm độc cho thai nhi và có thể gây dị dạng.
 
  1. Những rối loạn gây ra do rượu
Nhiễm độc rượu
 
Nhiễm độc rượu (say rượu): vừa mới uống một lượng rượu đủ để gây nên các thay đổi về trạng thái tâm lý và sinh lý. Trạng thái này sẽ biến mất khi rượu được thải trừ ra khỏi cơ thể.
Nhiễm độc rượu nhẹ gây thư giãn, nói nhiều, hưng phấn nhẹ hay thiếu kiềm chế. Nhiễm độc nặng có thể đưa đến hành vi thu rút, chậm chạp trong tâm thần vận động, thoáng mất trí nhớ, cuối cùng lơ mơ, hôn mê và chết.

Nhiễm độc đặc ứng
 
Hành vi thiếu thích ứng (xung động hay gây hấn) sau khi uống một lượng nhỏ rượu và lượng rượu này không đủ gây nhiễm độc cho bất kỳ ai. Các hành vi rất khác biệt so với lúc chưa uống rượu. Yếu tố thúc đẩy là tổn thương não bộ.

Rối loạn trí nhớ tạm thời
 
Bệnh nhân hoàn toàn quên việc vừa mới xảy ra mặc dù trong giai đoạn này bệnh nhân còn tỉnh táo. Xuất hiện trong giai đoạn nhiễm độc, đôi khi có thể kéo dài cả ngày trong lúc bệnh nhân còn có thể thực hiện công việc phức tạp.

Bệnh não Wernicke
 
Là tình trạng cấp tính do thiếu thiamin (vì nghiện rượu mãn tính). Người bệnh có triệu chứng lay giật nhãn cầu, liệt vận nhãn, lú lẫn toàn bộ, bịa chuyện, ngủ gà, mất khả năng phân biệt, sảng nhẹ, mất ngủ do lo âu, sợ bóng đêm,... Sau khi được điều trị, bệnh não Wernicke có thể biến mất sau vài ngày, vài tuần hoặc có thể tiến triển thành hội chứng Korsakoff.

Hội chứng Korsakoff
 
Là bệnh lý mãn tính, tiến triển nặng dần, bệnh trở nên lờ đờ vô cảm,giảm sút trí tuệ, mất khả năng phê phán, viêm đa dây thần kinh, đau nhức đầu ngón tay, ngón chân, cảm giác tê kiến bò, giảm phản xạ gân cơ... Bệnh lý thường xảy ra ở tuổi 50-60, uống rượu nhiều năm, bệnh xuất hiện từ từ hoặc sau cơn sảng run cấp. Nếu ngưng uống rượu và điều trị bằng vitamin nhóm B người bệnh có thể sẽ khá dần, nếu người bệnh tiếp tục uống rượu lại thì bệnh tiến triển xấu nhanh hơn.

Cai rượu
 
Là biểu hiện của tình trạng lệ thuộc về mặt thể chất, xuất hiện vài giờ đến vài ngày sau ngưng hoặc giảm lượng rượu uống vào, có thể dẫn đến rối loạn tri giác và tử vong. Những triệu chứng cai thường xảy ra, nhưng không phải lúc nào cũng có.

Những giai đoạn cai rượu có thể diễn biến như sau:

- 6-8 giờ: mất ngủ, run hay bồn chồn lo sợ, triệu chứng: dạ dày, đau đầu, toát mồ hôi, tim nhanh, chán ăn.

- 8-12 giờ: triệu chứng về loạn thần (ảo giác) hay rối loạn ý thức.

- 12-24 giờ: co giật

- 24-72 giờ: mê sảng do cai rượu

Mê sảng do cai rượu (sảng run)
 
Đây là tình trạng rối loạn nặng do cai rượu, bao gồm những thay đổi đột ngột và nghiêm trọng về tâm thần và thần kinh, ít gặp hơn cai rượu không biến chứng. Có một phần ba bệnh nhân co giật cai rượu sẽ bị sảng run. Các triệu chứng xuất hiện đột ngột trong vòng 2 đến 3 ngày và đỉnh là ngày 4 đến 5. Biểu hiện lâm sàng gợi ý như lú lẫn, rối loạn định hướng, ý thức u ám và dao động, rối loạn tri giác; những triệu chứng của hội chứng cai rượu; các biểu hiện khác như kích động, tiểu không tự chủ; bệnh nhân không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Chẩn đoán mê sảng do cai rượu dựa theo tiêu chuẩn chẩn đoán sảng và có liên quan trực tiếp đến hội chứng cai rượu.

Rối loạn loạn thần do rượu
 
Loạn thần do rượu hay do ngộ độc rượu mạn tính gây ra. Rối loạn loạn thần gồm các ảo giác kéo dài, chủ yếu là ảo thị, ảo thanh, không có mê sảng, thường xuất hiện trong vòng 2 ngày khi những người lệ thuộc rượu ngưng uống rượu. Loạn thần rượu có thể kéo dài mãn tính và bệnh cảnh lâm sàng gần giống tâm thần phân liệt.

Rối loạn tâm thần do rượu là một trong những hệ lụy lớn của việc lạm dụng rượu, không chỉ gây tác động nặng nề đến cá nhân mà còn là một gánh nặng xã hội. Để giảm thiểu tình trạng này, mỗi người cần nhận thức rõ ràng về tác hại của rượu và duy trì lối sống lành mạnh, đồng thời xã hội cũng cần có những chính sách hỗ trợ và bảo vệ hiệu quả.

Nguồn tin: Bs Thanh Quý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG TIN VỀ DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA GÂY RA (nCoV)
CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
Thống kê
  • Đang truy cập250
  • Hôm nay46,445
  • Tháng hiện tại1,615,178
  • Tổng lượt truy cập37,520,927
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây