Người dân được khuyến cáo thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch nhằm ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh, khi nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang tấn công.
"Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân luôn là một biện pháp đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong phòng, chống dịch bệnh", PGS. TS. Lương Mai Anh, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, nói tại buổi lễ hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng năm 2023, ngày 16/10.
PGS Mai Anh cho biết hiện một số dịch, bệnh truyền nhiễm vẫn có diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát như tay chân miệng, tiêu chảy, cúm, đậu mùa khỉ, bạch hầu, giun sán, đau mắt đỏ,... Trong khi người dân có thể chủ động phòng bệnh, ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh, đẩy lùi bệnh tật bằng cách rửa tay thường xuyên.
Rửa tay với xà phòng còn giúp giảm gần 50% trường hợp tiêu chảy, 25% ca nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, giảm nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, cúm... Rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch cũng giúp giảm 15% trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
Bà Lê Thị Hồng Nhi, đại diện Quỹ Unilever Việt Nam, cho biết tỷ lệ người dân rửa tay ở Việt Nam vẫn còn thấp. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy chỉ 13% người dân rửa tay bằng xà phòng vào "những thời điểm quan trọng". Tỷ lệ này thấp hơn nữa ở các hộ gia đình nghèo và dân tộc thiểu số.
Do đó, giới chức cần nâng cao nhận thức về lợi ích và hiệu quả của việc rửa tay với xà phòng trong phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh việc giáo dục vệ sinh, rửa tay với xà phòng trong trường học cho học sinh. Bảo đảm cung cấp, bố trí đầy đủ chỗ rửa tay, nước sạch, xà phòng để mọi người có điều kiện thực hành rửa tay thường xuyên.
Những thời điểm cần rửa tay với xà phòng gồm sau khi ho, hắt hơi; trước khi ăn; trước và sau khi chế biến thực phẩm. Các thời điểm khác như sau khi đi làm về/từ bên ngoài trở về nhà; sau khi tiếp xúc/chăm sóc người bệnh; sau khi đi vệ sinh; sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ; sau khi mua sắm/cầm tiền; sau khi tiếp xúc vật nuôi; trước khi đi vào lớp học; bất cứ khi nào tay bẩn.
Rửa tay đúng cách gồm 6 bước với xà phòng và nước sạch, hoặc sử dụng chế phẩm vệ sinh tay chứa cồn. Thời gian rửa trong vòng 30 giây để phát huy tối đa hiệu quả diệt khuẩn.