Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế, đời sống của người dân được cải thiện về nhiều mặt. Tình hình an ninh lương thực, thực phẩm và bữa ăn của người dân đã được cải thiện rõ rệt… Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển vượt bậc đó, người dân chúng ta cũng có rất nhiều sự thay đổi tiêu cực về thói quen ăn uống, cách sử dụng thực phẩm, lối sống và sinh hoạt… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân Việt Nam.
Theo số liệu của mạng lưới giám sát dinh dưỡng toàn quốc năm 2017-Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi tuy có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao là 23,8%, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 13,4%. Theo kết quả điều tra nghiên cứu được Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia được tiến hành trong giai đoạn 2017-2018 với cỡ mẫu 5000 học sinh từ 75 trường học từ Tiểu học đến THCS; THPT. Tỷ lệ thừa cân/béo phì chung ở học sinh là 29,0% (tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 17,8%; khu vực thành thị là 41,9%). Đây là kết quả của chế độ ăn ít rau xanh, nhiều chất béo, sử dụng nhiều thực phẩm chế biến sẵn; Một lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực… Sự phát triển xã hội hiện tại đang kéo dài khoảng cách chênh lệnh giàu nghèo giữa các vùng và các hộ gia đình cùng với vấn đề về sử dụng thực phẩm lành mạnh chưa hợp lý, cùng nhiều lý do khách quan khác. Nên vẫn tồn tại sự không công bằng và nghịch lý, trong khi thức ăn đủ cho tất cả mọi người nhưng lại có những nơi thực phẩm bị lãng phí, vứt đi, tiêu thụ quá mức hoặc dùng vào các mục đích khác. Ở một nơi khác có những người lại thiếu thực phẩm. Theo thống kê từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) hiện tại có hơn 800 triệu người trên thế giới đang không đủ ăn, song hơn 600 triệu người lớn và 120 triệu trẻ em gái và trai (độ tuổi 5-19) lại đang trong tình trạng béo phì… Người đang gặp tình trạng thừa cân béo phì sẽ có tỷ lệ bệnh tật cao hơn ở người bình thường. Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật ở nhiều cơ quan trong cơ thể như: Hệ tim mạch: Tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi. Hệ hô hấp: Giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm. Hệ nội tiết, chuyển hóa: Tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút. Tác động về tâm sinh lý: Tự ti, trầm cảm, khó hòa nhập cộng đồng. Để giải quyết căn bản tình trạng này, chúng ta cần nâng cao kiến thức để có những thực hành đúng về dinh dưỡng; cần phải thay đổi lối sống và thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì một lối sống năng động, tích cực để mang lại một tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe tốt nhất cho mỗi người chúng ta.